Ảnh bìa

Báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023

HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM

 
 
 

 


     Số: 38/BC-HNM

          

          

  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

       Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
 
 

 


             Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

 

 

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG NĂM 2022 VÀ

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023

 

Năm 2022, tình hình thế giới có những diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp gây ra nhiều thách thức hơn dự báo. Trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực lạm phát tăng: giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đó có người mù; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân nói chung và người mù nói riêng.

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh chỉ đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị… nước ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ. Kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, an sinh, an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại hội nhập mở rộng… Góp phần vào thành tựu chung, quan trọng của đất nước có một phần của các Hội chính trị, xã hội trong đó có hệ thống Hội ta. Với sự nỗ lực của tập thể đội ngũ cán bộ, hội viên người mù cả nước. Hội Người mù Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật trong năm như sau:

 

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Chương trình củng cố, phát triển tổ chức

Đã hoàn thành hiệu quả các công việc theo kế hoạch đề ra với những hoạt động nổi bật: Tổ chức thành công Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ XIII, XIV, XV, Ban Chấp hành lần thứ VII, khóa IX, nhiệm kỳ 2017 - 2022 tại thành phố Hà Nội. Hội nghị đã tổng kết công tác hoạt động Hội năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2022, kết hợp sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Cải cách hành chính, tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2022 - 2027. Tặng 06 cờ thi đua và 25 bằng khen cho các tỉnh, thành hội xuất sắc năm 2021.

Tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2022 - 2027 với sự tham dự và chỉ đạo của đồng chí Bùi Thị Minh Hoài: Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW. Đại hội vinh dự được đón nhận lẵng hoa của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Nước; đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; quà của đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - phó Chủ tịch Nước, lẵng hoa của MTTQ, các Bộ, Ban ngành… Đại hội cũng nhận được sự đánh giá cao của Hiệp Hội người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Người mù các nước bạn Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Tại Đại hội các đại biểu đã phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ đóng góp vào các văn kiện, sửa đổi Điều lệ Hội và hiệp thương bầu 66 ủy viên Ban chấp hành, 09 ủy viên Ban thường vụ, 07 ủy viên Ban kiểm tra và các chức danh thường trực tại TW Hội Người mù Việt Nam.

Tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo và có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện về các cơ chế chính sách liên quan đến người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng. Xây dựng các báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia người Khuyết tật Việt Nam, các bộ ngành: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận, Bộ Nội vụ...

Làm việc với Đ/c Bùi Thị Minh Hoài: Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW và đoàn công tác của Ban Dân vận TW về các công tác chuẩn bị Đại hội khóa X, nhiệm kì 2022 - 2027; chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN” nhân ngày “Cây gậy trắng” và các nội dung khác.

Xây dựng báo cáo thực hiện chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức và quy chế hoạt động gửi Ban chỉ đạo Đề án 103. Tiếp đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và đại diện Bộ Nội vụ, Ban Dân vận TW Đảng, Ban Đối ngoại TW, Ban Tổ chức TW Đảng tới làm việc. Buổi làm việc đã được các đồng chí trong đoàn khảo sát đánh giá cao các hoạt động, các kiến nghị đề xuất của Hội.

Chỉ đạo, hướng dẫn Đại hội các tỉnh, thành hội: Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, An Giang, Phú Yên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Đồng Tháp (đến nay còn Đà Nẵng, Đồng Nai, Cà Mau, Đồng Tháp, Bắc Kạn đang trong tiến trình chuẩn bị).

Làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành về nhân sự HNM tỉnh về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, kinh phí...

Hiện nay hệ thống Hội có 58/63 tỉnh, thành có Hội (02 tỉnh hội Vĩnh Long và Trà Vinh bị sáp nhập; 05 tỉnh chưa có Hội là: Kon Tum, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên) với tổng số 73.775 hội viên, 423 huyện Hội, 3.104 chi hội, 529 hội xã phường (giảm 775 hội viên, giảm 24 chi hội, tăng 14 hội xã phường và giảm 1 huyện hội).

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy chi bộ Đảng, phối hợp của các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên, phụ nữ... đạt hiệu quả cao. TW Hội và các tỉnh, thành hội tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ kết nạp Đảng viên mới, số lượng Đảng viên trong các cấp Hội tiếp tục được tăng lên.

Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, chuẩn bị hồ sơ, đề nghị khen thưởng đến các Bộ, Ngành và TW Hội cho các tập thể, cá nhân nhân các ngày kỷ niệm, Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội.

Văn phòng TW, Trung tâm và các tỉnh, thành Hội làm tốt công tác lễ tân, phục vụ tài liệu in ấn, sách báo, tiếp nhận quản lý, sử dụng các trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động Hội, cho Đại hội nhiệm kỳ và các Hội nghị, hội thảo... cán bộ các cấp tiếp tục học tập hoàn thành các chương trình quản lý, lý luận chính trị, chuyên môn.

Công tác kiểm tra: Tiếp nhận, xử lý 13 đơn thư gửi về TW Hội. Việc giải quyết đơn thư của cán bộ, hội viên được thụ lý và giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ và Quy chế kiểm tra của Hội. Những đơn thư gửi không đúng quy định, vượt cấp Ban Kiểm tra trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, làm phiếu chuyển về đơn vị có thẩm quyền xem xét giải quyết.

2. Chương trình Lao động, sản xuất, việc làm:

2.1. Chương trình vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm

Hiện nay với tổng số nguồn vốn TW Hội đang quản lý: 51.651.460.000đ, trong đó vốn thu hồi cho vay lại trong năm 2022 là 14.097.000.000đ, triển khai cho vay tại 51 tỉnh, thành hội cho 10.000 hộ người mù và 55 cơ sở sản xuất tập trung của Hội Người mù các cấp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 13.000 lao động là nguời mù, người tàn tật khác và người bình thường.

Kiểm tra, nắm bắt việc thực hiện triển khai các chương trình việc làm, vốn vay và khảo sát tình hình đời sống hội viên tại các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai.

Tích cực, trao đổi đôn đốc nguồn vốn vay ở các đơn vị có nợ quá hạn. Tính đến ngày 31/12/2022 số vốn nợ quá hạn tại 01 đơn vị chỉ còn 20 triệu đồng, chiếm 0,038%; Tỷ lệ hộ nghèo còn 11,9% (giảm 2,3%) so với cuối năm 2021.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tại một số tỉnh, thành hội tổ chức.

Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 30 năm chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm toàn quốc, giai đoạn 1992 - 2022. Tại hội nghị, TW Hội đã tặng thưởng cho 31 tỉnh, thành hội và 31 quận, huyện, thị hội đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, triển khai cho vay vốn.

Điều chuyển vốn giữa các tỉnh, thành Hội và hướng dẫn một số đơn vị làm thu tục gia hạn khi dự án đã đến hạn thu hồi nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên chưa triển khai cho vay lại được. Trao đổi các đơn vị thực hiện đúng các nội dung văn bản vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Chính phủ, Ngân hàng chính sách Xã hội của Hội để hoàn thành tốt các dự án vay vốn đến hạn thu hồi và giải ngân trong năm.

Tham dự, đóng góp ý kiến với các Bộ, Ngành về đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và công tác dạy nghề cho người khuyết tật.

2.2. Chương trình dạy nghề ngắn hạn

Xây dựng chủ đề Hội thảo, chủ đề các phiên họp và một số nội dung để chuẩn bị cho Hội nghị Massage khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ XVI tổ chức tại Việt Nam dự kiến vào tháng 8 năm 2023.

Tham dự Hội thi tay nghề tẩm quất xoa bóp toàn quốc lần thứ III tại một số tỉnh, thành hội.

Phối hợp với Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù tổ chức thành công Hội thi tay nghề tẩm quất xoa bóp toàn quốc lần thứ III, Hội thi có 72 thí sinh tham dự được lựa chọn từ 43 tỉnh, thành hội. Qua hội thi các kỹ thuật viên đã trao đổi, học tập được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật của nghề xoa bóp ở các đơn vị đến từ các vùng miền khác nhau trong cả nước.

Tham gia đóng góp ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng luật việc làm của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội.

Trong năm các tỉnh, thành hội đã tích cực, chủ động xin nguồn kinh phí của địa phương hoặc vận động, viện trợ bằng các nguồn khác đã mở được 88 lớp cho 1421 học viên, kinh phí 3,974 tỷ đồng (ngân sách 2,186 tỷ đồng, vận động viện trợ 1,788 tỷ đồng) với các nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát… trong đó Hà Nội mở 19 lớp, Bắc Ninh mở 12 lớp, Hải Dương mở 7 lớp, Thừa Thiên Huế mở 5 lớp, Nam Định mở 4 lớp...

2.3. Tạo việc làm

Từ tháng 01- 3/2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp và kéo dài, các cơ sở sản xuất tập trung và cơ sở xoa bóp của Hội bị ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên từ Quý II tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp Hội đến nay các cơ sở đã phục hồi, ổn định và phát triển đáng kể. Hiện nay, trong toàn Hội quản lý 389 cơ sở sản xuất tập trung (275 cơ sở tẩm quất xoa bóp, 114 CSSX thủ công) và 131 tổ nhóm sản xuất thủ công dưới 10 người, thu hút 4.399 lao động, với các mô hình hợp tác xã, công ty TNHH, trung tâm của người mù, gồm các ngành nghề đa dạng như: Làm tăm, làm chổi, làm hương, đan lát, xoa bóp bấm huyệt, mức thu nhập bình quân của nghề thủ công là 2 triệu đồng/người/tháng, riêng nghề xoa bóp bấm huyệt đạt 3 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng, với tổng doanh thu trong năm đạt 157,682 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kì năm trước. Trong đó tổng doanh thu cơ sở tầm quất xoa bóp do Hội quản lý 77,271 tỷ đồng, tăng 1,95 lần so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên doanh thu của các cơ sở tẩm quất xoa bóp năm 2022 mới chỉ đạt 73,98% so với doanh thu năm 2019 (năm chưa bị tác động của đại dịch Covid-19), ngoài ra có 785 tổ nhóm xoa bóp do hội viên tự đứng ra quản lý thu hút 3141 lao động. Một số đơn vị có doanh thu cao là: Đà Nẵng 20,177 tỷ đồng, Hà Tĩnh 13,311 tỷ đồng, Thanh Hóa 12,066 tỷ đồng, Hà Nội 10,857 tỷ đồng, Nam Định 10,035 tỷ đồng, T.T. Huế 9,69 tỷ đồng, Thái Bình 8,571 tỷ đồng...

2.4. An sinh xã hội, xây sửa nhà, hỗ trợ chăm sóc hội viên

Về trợ cấp thường xuyên, cấp thẻ BHYT: Hội luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền như ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế. Số người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng ngày càng được cấp giấy xác nhận khuyết tật và được hưởng chế độ nhiều hơn, tính đến nay toàn Hội có 54.382 người mù trong diện được hưởng trợ cấp xã hội và có 64.223 người được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.

Về xây nhà, sửa nhà đại đoàn kết: Hàng năm các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền và MTTQ Việt Nam các cấp, vận động sự giúp đỡ đóng góp của các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, dòng họ gia đình, bạn bè người thân, trong năm đã xây dựng 84 căn nhà, trị giá 5,66 tỷ đng, sửa chữa 90 căn nhà, trị giá 2,014 tỷ đồng.

Về trợ cấp khó khăn: Trong năm trợ cấp khó khăn của 3 cấp (TW Hội, tỉnh, thành hội và quận, huyện, thị, hội) cho 267.010 lượt người mù, với tổng số tiền 145,95 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị khác. Các tỉnh, thành Hội trợ cấp cao như: Tiền Giang 29,474 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 17,124 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 12,782 tỷ đồng, Bến Tre 11,876 tỷ đồng, Đồng Nai 11,485 tỷ đồng…

2.5. Chương trình dân số và phát triển

Trung ương Hội luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình để giúp cho Hội có thêm nhiều nội dung hoạt động trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Một số tỉnh, thành hội phối hợp với chi cục dân số địa phương để xin kinh phí tổ chức tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, in tài liệu...

3. Chương trình tuyên truyền, văn hóa, giáo dục

3.1. Công tác tuyên truyền

Năm 2022 là năm tổ chức Hội diễn ra nhiều sự kiện lớn, nhân dịp này công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, trên Tạp chí Đời Mới của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các phóng sự ngắn theo từng sự kiện. Trọng tâm là công tác tuyên truyền của Đại Hội, các dự thảo văn kiện được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Hội để nhiều người được tham gia đóng góp ý kiến cho báo cáo và Điều lệ, xuất bản 3100 cuốn tạp chí Đời Mới số đặc biệt bằng chữ in thường làm tài liệu tuyên truyền trong các cấp Hội. Phối hợp với một số báo đài làm các phóng sự về hoạt động Hội.

Xuất bản đều đặn Tạp chí Đời Mới theo định kỳ 6 số báo phát thanh và 6 số chữ Braille. Cập nhật phong phú nội dung các tin bài trên cổng thông tin điện tử, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước... Hiện nay, cổng thông tin điện tử của Hội có hơn 1000 lượt truy cập mỗi ngày; hàng nghìn người đăng kí, theo dõi kênh Youtube và trang Facebook.

Tổ chức buổi gặp mặt cộng tác viên báo chí toàn quốc bằng hình thức trực tuyến, mời lãnh đạo các tỉnh, thành Hội tham dự, hội nghị đã đánh giá công tác tuyên truyền trong hoạt động Hội và Tạp chí Đời Mới, các đại biểu đóng góp ý kiến để xây dựng phương hướng, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

Tạp chí Đời Mới tham gia đầy đủ các buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên Giáo TW tổ chức; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua: “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”;  tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Luật báo chí và các văn bản liên quan. Chi Hội tạp chí Đời Mới phát triển thêm hội viên, đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền của Hội. 

Với đội ngũ 310 cộng tác viên báo chí trong toàn Hội đã tích cực viết tin, bài, phối hợp với các cơ quan báo đài làm phóng sự tuyên truyền hoạt động Hội, trong năm có 2236 tin, bài, phóng sự được đăng tải trên Tạp chí Đời Mới và các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó các đơn vị tích cực xuất bản 380 bản tin nội bộ với hình thức đa dạng và đổi mới như Hà Nội xuất bản Tạp chí Audio “Tri thức và đời sống”, facebook, youtube, trang Website của Hội người mù Thành phố, Diễn đàn hội HBA 5, Bà Rịa - Vũng Tàu xuất bản bằng hình thức trang thơ, văn, truyện, bản tin phát thanh “Sức sống mới”của tỉnh hội Hà Tĩnh được duy trì và ngày càng cải thiện về chất lượng, nội dung; nhiều đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh dễ tiếp cận như Website, youtube, zalo, facebook, fanpage...

3.2. Công tác giáo dục - công nghệ thông tin

Công tác giúp đỡ trẻ em đến trường: hiện nay toàn Hội có 1262 em đang tham gia học tập tại các bậc học phổ thông, để chuẩn bị năm học mới 2022 -  2023, TW Hội có công văn chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các em đến trường. Trung ương Hội đã in và cấp 46 bộ SGK cho các em đang học chương trình chưa đổi mới theo nhu cầu đăng ký. Tham gia hội đồng chuyển đổi, hội đồng thẩm định sách giáo khoa chương trình mới sang chữ Braille, đến nay lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã hoàn thành bản mẫu, lớp 3, lớp 7, lớp 10 đang trong giai đoạn chuyển đổi. Vì vậy các em chưa có sách giáo khoa chữ Braille theo chương trình mới. Để sách giáo khoa kịp thời đến với các em trong thời gian tới, Trung ương Hội đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chung tay mang sách giáo khoa cho các em học sinh mù” nhằm tìm kiếm tài trợ, xây dựng thư viện sách giáo khoa chữ nổi Braille và sách điện tử.

Nhân dịp ngày Học sinh, sinh viên Việt Nam, TW Hội đã tổ chức buổi gặp mặt, mở rộng mạng lưới sinh viên khiếm thị đang học tập tại Hà Nội, phát triển thành mạng lưới sinh viên khiếm thị toàn quốc; các nhà tài trợ tặng quà cho 93 em sinh viên khiếm thị và sinh viên mồ côi với số tiền là trên 55 triệu đồng, 6 suất học bổng trị giá 15 triệu đồng cho các em sinh viên nghèo vượt khó, tặng 20 triệu đồng cho quỹ sinh viên khiếm thị. Đến nay mạng lưới sinh viên khiếm thị toàn quốc triển khai nhiều nội dung thiết thực, thu hút được các thành viên tham gia bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các Trung tâm của Hội trong năm có 12 đơn vị đã mở được 69 lớp cho 391 em; 56 lớp xoá mù chữ cho 560 hội viên. Bên cạnh đó một số đơn vị tích cực mở các lớp tiếng Anh, lớp âm nhạc, sử dụng cây gậy định hướng, một số lớp có nội dung mới như khiêu vũ, kỹ năng trang điểm... Cán bộ các cấp Hội tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng mềm do địa phương tổ chức.

Công nghệ thông tin: Trung ương Hội áp dụng thành công, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi văn bản thành giọng nói trí tuệ nhân tạo có cảm xúc trên website của Hội, phối hợp với Trung tâm phát triển văn hoá đọc và học tập suốt đời chuyển đổi một số sách truyện đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Hội; Tham gia đóng góp với các nhóm nghiên cứu xây dựng phần mềm hỗ trợ người khiếm thị.

Trung ương hội và các tỉnh, thành Hội tham gia Hội thảo trực tuyến Giới thiệu chuyển dịch nhạc với phần mềm Sao Mai Braille dành cho người chuyển dịch chữ nổi và người khiếm thị chơi nhạc do Trung tâm Hướng nghiệp và Công nghệ trợ giúp cho người mù Sao Mai tổ chức.

Trong năm có 12 đơn vị mở được 28 lớp lớp phổ cập tin học, sử dụng điện thoại thông minh cho 263 hội viên.

3.3. Công tác văn hoá, văn nghệ, TDTT

Trung ương Hội tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên như: tổ chức buổi tọa đàm. Nhân kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2022, tặng quà cho 46 đồng chí thương binh hỏng mắt và gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh là cán bộ Hội trong các thời kỳ. Nhân dịp lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu và lễ đón bằng vinh danh Danh nhân Văn hóa Thế giới của UNESCO, Trung ương Hội mời 02 nhà khoa học, nhà lý luận phê bình văn học nói chuyện chuyên đề “Danh nhân văn hoá Nguyễn Đình Chiểu, toả sáng nghị lực, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam”.

Tích cực triển khai cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” năm 2022 do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phát động đến các đơn vị, tổ chức chấm vòng sơ khảo, tuyển chọn bài tham dự vòng chung khảo toàn quốc, 5 thí sinh đạt được 6 giải.

Một số đơn vị triển khai cuộc thi “Đọc viết nhanh chữ Braille”, tham gia các cuộc thi do địa phương tổ chức như: thành Hội Hà Nội hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Hội đã có nhiều hoạt động sáng tạo, đổi mới như: tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng người khiếm thị Thủ đô”, giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn tháng 4”, cuộc thi khiêu vũ “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”; tỉnh Hội Hà Tĩnh tham gia cuộc thi tìm hiểu 65 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh; tỉnh hội Khánh Hòa tham gia liên hoan văn nghệ Người khuyết tật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII năm 2022 với chủ đề “Nhịp bước yêu thương”; tỉnh hội Bình Thuận tổ chức giao lưu Văn hóa - Văn nghệ hàng tuần tại cơ quan tỉnh hội; thành Hội Đà Nẵng có sáng kiến tổ chức hoạt động giao lưu tại thư viện Khoa học tổng hợp “Trải nghiệm phòng đọc sách dành cho người khiếm thị với các thiết bị máy tính có cài phần mềm JAW, máy tính bảng, máy phóng to, máy đọc, sách chữ nổi”, tham gia viết bài dự thi “ gương người tốt việc tốt”...

Phát huy thế mạnh của hoạt động văn nghệ, các đơn vị duy trì tốt 286 tổ đội văn nghệ, 1545 buổi tập luyện để tham gia biểu diễn Đại hội nhiệm kỳ và các sự kiện khác tại cơ sở, tham gia hội thi, hội diễn do địa phương tổ chức...Nhiều tỉnh, thành Hội như Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng công tác bồi dưỡng hạt nhân tham gia các giải thể thao người khuyết tật cấp tỉnh, toàn quốc và quốc tế với các môn sở trường, 93 Huy chương đã được trao cho hội viên có thành tích xuất sắc và các giải tập thể cho các đơn vị trong các phong trào văn nghệ, thể thao. Trong đó có hàng chục huy chương vàng, bạc, đồng tại Đại hội thể thao NKT khu vực Đông Nam Á.

Trong năm toàn Hội tổ chức được 443 buổi sinh hoạt câu lạc bộ, một số đơn vị phối hợp với các ngành tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nhiều nội dung.

4. Chương trình Đối ngoại

Hội tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam. Đến nay, đã trao tặng được hơn 21.000 cây gậy trắng (tổng giá trị hơn 2,5 tỉ đồng) cũng như tập huấn cách sử dụng gậy an toàn cho hội viên và người mù cả nước; tập huấn nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật, marketing bán hàng online và khởi nghiệp.

Phát huy những kết quả đã đạt được từ các năm trước, Hội tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học quốc tế RMIT trong việc tuyển chọn và trao 01 suất học bổng toàn phần trị giá khoảng 1.5 tỉ đồng cho người khiếm thị tham gia học tại trường Đại học RMIT.

Ký kết và thực hiện các dự án như: “Cung cấp trang thiết bị chữ Braille cho 03 tỉnh miền bắc Việt Nam” do Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ; “Thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tài trợ; In ấn sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khiếm thị và thư viện trực tuyến với sự hỗ trợ của Trung tâm Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc).

 Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Hội đã phối hợp với Trung tâm Siloam dành cho người mù tổ chức tuần lễ giao lưu âm nhạc “Kết nối yêu thương” do các nghệ sĩ khiếm thị của hai nước biểu diễn tại Nhà hát Âu Cơ và một số trường phổ thông, đại học, trung tâm có người mù theo học.

Sau rất nhiều nỗ lực của Hội, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và chuyên gia trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về việc thúc đẩy gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, xây dựng hồ sơ ra nhập Hiệp ước… ngày 06/12/2022 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố.

Đặc biệt từ ngày 9-10/12/2022, đã tổ chức thành công Chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN” nhân ngày “Cây gậy trắng” và kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (03/12), hướng tới Thập kỉ NKT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2023 - 2032. Chuỗi sự kiện bao gồm buổi lễ t tinh, đi bộ diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm và các hội thảo chuyên đề về giáo dục, việc làm, Hiệp ước Marrakesh, chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Chuỗi sự kiện có sự tham gia của khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có sự hiện diện của đồng chí Bùi Thị Minh Hoài: Bí thư TW Đảng - Trưởng Ban Dân vận TW, đại diện Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của LHQ, Ban Thư kí ASEAN, Hiệp hội người mù thế giới, Hiệp hội người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN; một số Cục, Vụ thuộc các Bộ, ngành của các nước ASEAN và đại diện Hội Người mù của 06 nước: Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan; đại diện một số cơ quan của Liên hợp quốc, các Đại sứ quán và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Hội đã tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến như: Diễn đàn Cộng đồng người mù khu vực ASEAN; các hội thảo tham vấn báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam; Hội thảo định hướng đào tạo người khuyết tật tham gia vào các cơ quan dân cử; Hội nghị cấp cao liên chính phủ về Tổng kết thập kỷ người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2013 - 2022; Hội thảo đảm bảo quyền của người khuyết tật trong phát triển bền vững tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới…

Ở các tỉnh, thành Hội, các đơn vị tiếp tục vận động và tiếp nhận sự giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân hảo tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo, học bổng cho các cháu là người mù và con em người mù; nhiều đơn vị được tặng quà nhân dịp lễ, tết, được hỗ trợ nhu yếu phẩm và chi phí sinh hoạt trong thời gian đại dịch Covid-19… với tổng giá trị nguồn vận động đạt hàng chục tỉ đồng. Một số đơn vị còn có hoạt động hợp tác, xuất khẩu các sản phẩm do người mù làm sang các nước Châu Âu; điển hình là các tỉnh, thành hội sau Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Bến Tre…

Với những nỗ lực và kết quả đạt được trong năm 2022, Hội vinh dự được nhận Cờ thi đua của Ban Đối ngoại TW - là đơn vị dẫn đầu công tác Đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực hợp tác phát triển.

5. Chương trình Phụ nữ và trẻ em

Ban Công tác phụ nữ và trẻ em các cấp Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn; số chị em được tham gia Ban lãnh đạo các cấp Hội ngày càng tăng. Hiện nay, có 258 chị là cán bộ chủ chốt tại các cấp hội; trong đó, có 01 Chị là Phó Chủ tịch TW Hội, 20 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh, thành Hội; 237 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các quận, huyện Hội.

Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng thực hiện chương trình hỗ trợ trẻ em mù - đa tật tại một số tỉnh; trao học bổng năm 2022 cho 18 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 5 triệu đồng.

Khảo sát tình hình nhà ở của hội viên nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Đắk Nông, Quảng Bình và Cao Bằng. Trên cơ sở đó, TW Hội đã quyết định hỗ trợ 3 hội viên, mỗi người  50.000.000 đồng để làm nhà mới, nguồn kinh phí từ cán bộ hội viên các cấp hội đóng góp trong chương trình Chung tay hỗ trợ “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở. Hiện nay, cả 3 ngôi nhà đã được xây dựng, hoàn thiện, nghiệm thu và đi vào sử dụng.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3, TW Hội gửi công văn tới các tỉnh, thành hội nhằm đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống và tiếp tục triển khai Chương trình Chung tay hỗ trợ “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở. Các đơn vị nỗ lực vận động hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho hội viên nữ tại địa phương với 53 ngôi nhà được làm mới, trị giá 4,19 tỉ đồng, 50 ngôi nhà được sửa chữa, trị giá 974,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số đơn vị tích cực đóng góp vào quỹ Hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ mù của Trung ương Hội. Tính đến ngày 19 tháng 12 năm 2022, TW Hội đã nhận được 104.932.000 đồng. Trong đó: Cao Bằng: 3.000.000 đồng; Phú Thọ: 1.000.000 đồng; Sơn La: 1.000.000 đồng; Hà Nội: 10.340.000 đồng; Quảng Ninh: 2.000.000 đồng;  Vĩnh Phúc: 2.000.000 đồng; Bắc Ninh: 7.000.000 đồng; Nam Định: 7.600.000 đồng; Nghệ An: 4.300.000 đồng; Hà Tĩnh: 12.000.000 đồng; Đà Nẵng: 4.700.000 đồng; Đắk Lắk: 1.000.000 đồng; Bình Dương: 11.192.000 đồng; Bình Phước: 10.000.000 đồng;  Vũng Tàu: 5.000.000 đồng; TW Hội + Trung tâm Đào tạo PHCN: 19.300.000 đồng; Nhà hảo tâm: 3.500.000 đồng.

TW Hội phát động Cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn” được nhiều đơn vị và trẻ em khiếm thị tích cực hưởng ứng. Từ ngày 24 - 26/8/2022, TW Hội đã  tổ chức thành công Diễn đàn Trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất; kết hợp tổng kết và trao giải cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn”.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế phụ nữ, Quốc tế thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em, ngày Phụ nữ Việt Nam… Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú: Gặp mặt, biểu dương, tặng quà, trao học bổng, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn sức khỏe… giúp chị em và các cháu có thêm kiến thức, kĩ năng, phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Một số đơn vị duy trì tốt các câu lạc bộ, nguồn quỹ chăm sóc phụ nữ và trẻ em; vận động kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho chị em và các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức từ 400.000 đ - 1.500.00 đồng/người/tháng.

6. Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù

Tổ chức thành công lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm. Tổ chức lễ tốt nghiệp khóa I lớp y sĩ y dược học cổ truyền cho học viên. Tiến hành sửa chữa khu ký túc xá dành cho học viên. Hoàn thành chương trình Đào tạo khóa 87, 88, 89 cho hơn 500 học viên với 6 loại hình lớp: thực hành xoa bóp bấm huyệt; Nghiệp vụ quản lý Hội (Tổ chức tại Khánh Hòa dành cho khu vực miền Trung Tây Nguyên và Nam Bộ); Tin học văn phòng; Công tác xã hội; Tiếp tục triển khai các học kỳ tiếp theo lớp Y sỹ y học cổ truyền dành cho Người mù...

Bên cạnh công tác đào tạo, Trung tâm đã tiến hành thực hiện các hoạt động như: Tổ chức các lớp tập huấn truyền thông online theo hướng đổi mới sáng tạo, Hỗ trợ Hội Người mù tỉnh Bình Định: Giáo viên, tài liệu lớp Sơ cấp nghề Xoa bóp bấm huyệt tại địa phương. Thực hiện cam kết về việc tập huấn kĩ thuật sử dụng gậy định hướng trong khuôn khổ chương trình “Sáng kiến cây gậy trắng cho Người mù Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Người mù Việt Nam phát động; Trung tâm đã tổ chức 09 khóa tập huấn (hơn 300 lượt học viên) Kỹ thuật sử dụng gậy định hướng tại các vùng miền cho tất cả các thành tỉnh Hội trong toàn quốc, công tác xã hội tại hai miền Bắc và Nam, lớp kỹ năng làm việc tại Kiên Giang... Hoàn thành bộ tài liệu hướng dẫn Kỹ thuật sử dụng gậy định hướng.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Trong năm 2022 cán bộ, hội viên các cấp Hội đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành cơ bản các chương trình nhiệm vụ công tác đã đề ra gắn liền với nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy chính quyền địa phương giao. Sự chỉ đạo, phối hợp của Ban thường vụ, Ban chấp hành, các ban chuyên môn, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN và ý thức trách nhiệm của từng đồng chí cán bộ, hội viên các cấp đã hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng tổ chức Hội.

Công tác tổ chức tiếp tục được củng cố, ổn định chăm lo tốt đời sống tinh thần vật chất cho hội viên, nâng cao vị thế vai trò của Hội.

Công tác Kiểm tra được các cấp hội chú trọng, đơn thư cơ bản được giải quyết kịp thời.

Hiện nay các cơ sở có việc làm, có thu nhập cho người lao động khoảng 70-80% so với thời gian chưa có dịch, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ người mù nghèo từ 1-2% /năm.

Việc cho vay vốn cơ bản đảm bảo thời gian, đúng quy định của cơ chế quản lý cho vay. Các dự án triển khai có hiệu quả, đã mang lại lợi ích thiết thực cho người mù, tăng thu nhập, từng bước ổn định và nâng cao mức sống cho bản thân người mù, tạo ra nguồn sản phẩm cho xã hội. Các cấp Hội đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động Hội, vì thế trong thời gian qua nhiều hội viên, người mù được quan tâm, chăm sóc tốt hơn.

Công tác tuyên truyền Đại hội nhiệm kỳ ở Trung ương và địa phương được triển khai phong phú, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như Tạp chí Đời Mới, phản ánh hoạt chân thực các phong trào và kết quả hoạt động ở mỗi cấp Hội.

Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới nội dung, cách tổ chức một số hoạt động đem lại hiệu quả cao.

Thông qua các dự án, các chương trình tài trợ, các cấp Hội huy động được nhiều nguồn lực cho hoạt động Hội và chăm lo đời sống hội viên.  Trung ương Hội tổ chức các sự kiện quốc tế có sức lan tỏa trong và ngoài nước, được các Ban, Bộ, ngành TW, Hiệp hội Người mù khu vực và thế giới đánh giá cao.

Công tác phụ nữ và trẻ em tiếp tục được các cấp hội quan tâm. Ban công tác của nhiều tỉnh, thành hội bám sát chức năng, nhiệm vụ, nguyện vọng của phụ nữ và trẻ em mù, chủ động xây dựng chương trình, huy động nguồn lực chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho chị em và các cháu đạt kết quả tốt.

Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù đã hoàn thành xuất sắc 03 khóa học với nhiều loại hình đào tạo, tổ chức được nhiều lớp học tại các vùng miền tạo bước ngoặt mới trong công tác đào tạo, nâng cao của Hội.

2. Tồn tại, hạn chế

Do một số vấn đề về nhân sự nên một số tỉnh, thành hội chưa tổ chức được đại hội như kế hoạch đề ra.

Công tác kiểm tra, đánh giá thực tế của các địa phương còn ít, nhất là các tỉnh hội không có hội cơ sở, ngoài ra một số đơn vị cấp quận, huyện, thị còn thiếu cán bộ sáng nên việc khảo sát, kiểm tra công tác hoạt động Hội còn hạn chế.

Các cơ sở sản xuất tập trung trong 3 tháng đầu năm do dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại một số cơ sở xoa bóp phải đóng cửa nên cũng ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động.       

Công tác tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, phụ nữ và trẻ em, đối ngoại cũng bị ảnh hưởng, một số tỉnh thành hội chưa tích cực tham gia các cuộc thi, việc triển khai các hoạt động mở lớp học tại một số địa phương chưa được quan tâm.

Đến nay chưa có sách giáo khoa chữ Braille theo chương trình đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, thủ tục và quy trình xin phê duyệt các dự án vẫn còn gặp khó khăn, chậm trễ do các quy định về thời gian đóng góp ý kiến chưa cụ thể, các Bộ, Ngành được yêu cầu đóng góp ý kiến gửi phản hồi rất muộn, ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ thực hiện hoạt động dự án.

Cán bộ làm công tác đối ngoại, nhất là ở các tỉnh, thành hội chủ yếu làm kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế nên việc xây dựng, thực hiện các dự án quốc tế còn khó khăn.

Các hoạt động quan tâm, chăm lo cho hội viên nữ và trẻ em mù ở một số địa phương còn hạn chế. Đời sống của chị em và các cháu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, hiện còn hơn 1000 hội viên nữ khó khăn về nhà ở.

Công tác thông tin, báo cáo về Trung ương Hội vẫn còn chậm và chưa đầy đủ, cá biệt có 1 vài đơn vị không nộp báo cáo nên việc tổng hợp còn khó khăn.

Trung tâm gặp nhiều khó khăn về kinh phí, việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ.

III. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2023

Chương trình củng cố, phát triển tổ chức:

Tổ chức Hội nghị Ban chấp hành TW Hội lần thứ II triển khai Nghị quyết Đại hội và Điều lệ Hội khóa X, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Tổng kết 15 năm cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng” và 15 năm “Chương trình hành động việc làm, giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2008 - 2023.

Tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Hướng dẫn và chỉ đạo các tỉnh, thành hội: Cao Bằng, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ, Đắk Lắk, Hậu Giang, Cà Mau, Bắc Kạn... tổ chức Đại hội nhiệm kỳ đúng thời gian và quy định. Làm việc với một số đơn vị Hội còn khó khăn, vướng mắc về nhân sự, kinh phí và hoạt động.

Công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại làm các quy trình theo đúng quy định của Nhà nước và của Hội.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành một số văn bản cho phù hợp theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư TW Đảng; triển khai Đề án cuộc vận động Cải cách hành chính, giai đoạn 2022 - 2027.

Công tác văn phòng: Chuẩn bị tốt các điều kiện để đảm bảo tổ chức hội nghị, hội thảo đạt được kết quả tốt, kế hoạch tài chính ngân sách của Trung ương Hội và Trung tâm năm 2024.

Công tác kiểm tra: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định các mặt hoạt động của các cấp Hội, kịp thời đề xuất với Ban thường vụ có những biện pháp xử lý phù hợp đối với những vấn đề mới phát sinh. Giải quyết đúng quy định và đảm bảo thời gian những đơn thư khiếu nại.

Chương trình Lao động sản xuất:

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành hội thực hiện theo văn bản vay vốn của Nhà nước và của Hội để hoàn thành kế hoạch và đôn đốc thu hồi vay vốn ở những tỉnh có nợ quá hạn.

Kiến nghị với các Bộ, Ngành Trung ương để Hội được tham gia chương trình của Nhà nước và được cấp kinh phí trong chương trình đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, theo Quyết định số 1190/ QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Mỗi quận, huyện, thị hội phát triển thêm nghề mới hoặc một mô hình mới nhưng phải đảm bảo chất lượng có thể liên kết giữa các cơ sở trong tỉnh hội các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mô hình: sinh kế, hỗ trợ khởi nghiệp cho người mù trẻ, hợp tác xã có người mù tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị sản phẩm. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chương trình tuyên truyền, văn hóa, giáo dục:

Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội X, Điều lệ và các hoạt động của Hội trong năm 2023.

Trung ương Hội tiếp tục áp dụng tiến bộ của Công nghệ thông tin để cải tiến kỹ thuật tạp chí Đời Mới, thành lập Tạp chí Đời Mới điện tử. Duy trì đều đặn 6 số báo phát thanh, 6 số báo chữ Braille, cập nhật tin bài trên cổng thông tin điện tử, các ứng dụng trên điện thoại thông minh, kênh youtube, facebook của Hội. Phối hợp với các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình làm phóng sự chuyên đề về hoạt động Hội; phát động tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025 theo Đề án được phê duyệt tại QĐ 1256/QĐ-TTg ngày 12/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức Hội thảo thúc đẩy công tác giáo dục phổ thông cho học sinh khiếm thị.

Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Cuốn sách tôi yêu”.

Chương trình Đối ngoại, Phụ nữ và trẻ em:

Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trao tặng và tập huấn cách sử dụng gậy trắng cho người mù.

Phối hợp với Trường Đại học quốc tế RMIT tuyển chọn và trao 01 suất học bổng toàn phần cho 01 người khiếm thị tham gia học tại trường Đại học RMIT.

Thực hiện các hoạt động của dự án “Thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ. Dự án in ấn sách giáo khoa và thư viện trực tuyến cho người mù do TT Siloam tài trợ.

Hội thảo massage khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ XVI tổ chức tại Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ XI tại Thái Lan (tháng 4); Chương trình đánh giá các dự án hợp tác với TT Siloam Hàn Quốc giai đoạn 2018 - 2023 và Kế hoạch giai đoạn 2023 - 2025 tại Hàn Quốc (Quý II); Hội nghị Tiếp cận trong giáo dục cho trẻ khiếm thị - Hội nghị cấp khu vực Đông Á được tổ chức tại Indonesia (Quý III); Dự Đại hội giữa nhiệm kỳ Hiệp hội Người mù Châu Á - Thái Bình Dương (Quý IV).

Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng thực hiện chương trình hỗ trợ trẻ em mù - đa tật tại các địa phương và trao tặng học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục huy động nguồn lực, khảo sát đối tượng và triển khai thực hiện Chương trình: Chung tay hỗ trợ “mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở đạt hiệu quả.

Tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm triển khai công tác phụ nữ và trẻ em mù, tập huấn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

Chuyển đổi, in ấn 02 đầu sách sang chữ Braille và audio cho phụ nữ và trẻ em mù.

Tổ chức 01 cuộc thi trực tuyến cho hội viên nữ.

Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù:

Tổ chức các khóa học 90, 91, 92.  Tiếp tục triển khai học kỳ 1,2 Khoá II lớp Y sỹ y học cổ truyền dành cho Người mù. Tham gia cùng TW Hội tổ chức Hội thảo massage khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Song song với công tác đào tạo, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Hội Người mù Việt Nam giao.

 

Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2022 cán bộ, hội viên người mù cả nước tiếp tục đoàn kết nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2023 góp phần xây dựng Hội ngày càng ổn định và phát triển.

 

Nơi nhận:

- Các tỉnh, thành hội;

- Trung tâm ĐT&PHCN;

- Lưu: TC-HC, VT.

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

 

                            (Đã kí)

 

                  

Phạm Viết Thu