Ảnh bìa

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, việc ngừng bắn, chuyển quân và chuyển giao khu vực được thi hành trong vòng 300 ngày, sau hai năm sẽ thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại việc thi hành Hiệp định, trì hoãn việc ngừng bắn; dụ dỗ và cưỡng ép gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Thông qua chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ tập trung thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, ban hành Luật 10/59 biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, trại tập trung; cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng thời chuyển quân, đưa hàng vạn con em, chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cũng như chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Tháng 01/1959, Nghị quyết Trung ương 15 chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dấy lên cao trào Đồng khởi (1959–1960) làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, mở đầu những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi thông qua chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, thực chất là “dùng người Việt đánh người Việt”, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung – “ấp chiến lược”. Ngày 15/2/1961, các tổ chức vũ trang miền Nam đã thống nhất thành "Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam". Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" không ngừng tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngày 02/01/1963, chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho) đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch – với lực lượng đông hơn ta 10 lần – đã dấy lên phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công".

Từ năm 1964–1965, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, làm nên những chiến thắng oanh liệt như: Bình Giã (2/12/1964 – 3/01/1965), Ba Gia (28/5 – 20/7/1965), Đồng Xoài (11/5 – 22/7/1965)...

Những cuộc tiến công trên chiến trường miền Nam và quân dân miền Bắc đánh bại chiến lược phá hoại bằng không quân và hải quân của địch tại miền Bắc đã khiến chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại hoàn toàn, buộc đế quốc Mỹ phải ồ ạt đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng... quân và dân ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của Mỹ ở các thành phố lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, mở ra cục diện mới vừa đánh vừa đàm. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” phá sản, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào; thực hiện chiến tranh hủy diệt.

Quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc bằng máy bay B-52 của Mỹ, làm nên chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh theo thế có lợi cho ta buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973 về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam”

Sau khi ký Hiệp định Paris, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn dùng chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn làm công cụ chiến tranh. Mỹ tăng cường chi viện tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân ngụy lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Paris của quân đội ngụy Sài Gòn ngày càng tăng.

Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó đưa quân trở lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã đến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; hai chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định với nhiều bước phát triển nhảy vọt.

Ảnh: Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh (tháng 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

 

Sau một tháng Tổng tiến công giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa. Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Các lực lượng chiến lược của ta tham gia chiến dịch lịch sử gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), các đơn vị binh chủng: tăng - thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, không quân, hải quân với đầy đủ binh khí kỹ thuật cùng các đơn vị biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Ảnh: Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)

 

Cùng với giải phóng trên đất liền, đến đầu tháng 5/1975, ta đã giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở Biển Đông, Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc và giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.