Viết ước mơ từ cánh cửa công nghệ của chàng sinh viên khiếm thị
Hành trình vượt qua nghịch cảnh để mở ra cơ hội mới luôn là câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. Nguyễn Xuân Quảng, chàng sinh viên năm hai ngành Công tác Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, là một minh chứng điển hình. Không chỉ nỗ lực trong học tập, Quảng còn mang tâm huyết của mình để hỗ trợ nhiều người đồng tật tiếp cận công nghệ, tạo hành trang vững chắc cho công việc và cuộc sống của họ.
Từ bóng tối đến thế giới số
Sinh ra với chứng bệnh glocom bẩm sinh, Nguyễn Xuân Quảng dần mất thị lực và đến năm lớp 8, cậu hoàn toàn sống trong bóng tối. Cú sốc ấy khiến cậu rơi vào hoang mang và mất phương hướng. Thế nhưng, thay vì chấp nhận số phận, Nguyễn Xuân Quảng tìm thấy ánh sáng mới từ công nghệ. Những con chữ, dòng lệnh tưởng chừng khô cứng lại trở thành chìa khóa giúp cậu khám phá thế giới theo một cách riêng biệt.
Định hình đam mê qua những ký tự lập trình
Lên lớp 10, Nguyễn Xuân Quảng bắt đầu tự học về công nghệ và lập trình. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần ham học hỏi, cậu dần làm chủ các thuật toán và phần mềm. Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet, Nguyễn Xuân Quảng đã sáng lập một dự án dạy lập trình cho người khiếm thị. Nhờ đó, tám bạn trẻ đồng cảnh ngộ đã có cơ hội tiếp cận với thế giới công nghệ và lập trình web. Với Nguyễn Xuân Quảng, công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới, giúp người khiếm thị có thể tham gia vào thị trường lao động số, nơi họ có thể phát huy thế mạnh của mình.
Ảnh: Nguyễn Xuân Quảng hướng dẫn cho các thành viên tham gia lớp học lập trình.
Kiến tạo cộng đồng công nghệ cho người khiếm thị
Không dừng lại ở việc giảng dạy công nghệ thông tin, Nguyễn Xuân Quảng còn thành lập nhóm “Chia sẻ phần mềm và thủ thuật cho người khiếm thị”, nơi cung cấp các tài nguyên hữu ích giúp người khiếm thị tiếp cận công nghệ dễ dàng hơn. Đây không chỉ là không gian học hỏi, mà còn là cầu nối giúp cộng đồng người khiếm thị mạnh dạn bước vào kỷ nguyên số. Thông qua đó, họ có thể kết nối với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm những giải pháp công nghệ tối ưu để phục vụ cho cuộc sống và công việc.
Gắn kết hai cộng đồng
Bên cạnh những dự án công nghệ, Nguyễn Xuân Quảng còn là thành viên nòng cốt của CLB Hoa Đá – nơi kết nối sinh viên khuyết tật và không khuyết tật. Cậu đã tham gia tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, giúp mọi người hiểu và hỗ trợ lẫn nhau. Qua đó, khoảng cách giữa hai cộng đồng dần được thu hẹp, tạo môi trường học tập hòa nhập và sẻ chia. Những chương trình ý nghĩa như giao lưu kỹ năng, tư vấn hướng nghiệp hay chia sẻ trải nghiệm đã giúp sinh viên khuyết tật tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.
Ảnh: Những chia sẻ về công nghệ trên mạng xã hội của Quảng.
Gieo mầm đam mê công nghệ cho các bạn nhỏ
Từ năm 2023 đến nay, ngoài việc học và tham gia các hoạt động của trường, Quảng còn hỗ trợ 10 em nhỏ tại CLB RB - U Nguyên Bào Võng Mạc trong việc làm quen và sử dụng công nghệ. Những buổi hướng dẫn không chỉ giúp các em học kỹ năng mới, mà còn tiếp thêm tự tin để các em tự chủ hơn trong cuộc sống. Dù trong quá trình dạy học, Nguyễn Xuân Quảng gặp không ít khó khăn do các em có những hạn chế thị lực khác nhau, trình độ nhận thức cũng có sự chênh lệch, nhưng với Nguyễn Xuân Quảng, đó không phải là rào cản ngăn trở các em nhỏ khiếm thị chinh phục công nghệ số. Cậu kiên trì tìm ra những phương pháp dạy phù hợp, ứng dụng các công cụ hỗ trợ chuyên biệt để giúp các em tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng nhất. “Lập trình có thể khó, nhưng nếu có đam mê và công cụ phù hợp, mọi trở ngại đều có thể vượt qua.” – Nguyễn Xuân Quảng chia sẻ.
Trong tương lai, Quảng mong muốn mở rộng dự án của mình, để nhiều người khiếm thị hơn có thể học lập trình và có cơ hội làm việc trong lĩnh vực công nghệ, Nguyễn Xuân Quảng bộc bạch: “Mình biết lập trình hay công nghệ thông tin là một hành trình không dễ dàng, nhưng trong tương lai mình tin sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn để người khiếm thị được tiếp cận với giáo dục công nghệ thông tin và các công cụ hỗ trợ phù hợp, từ đó mở ra những cơ hội công việc mới cho người khiếm thị trong xu hướng công nghệ đang lên ngôi.”
Hành trình của Nguyễn Xuân Quảng không chỉ đơn thuần là câu chuyện về một chàng trai khiếm thị chinh phục công nghệ, mà còn là nguồn cảm hứng về nghị lực và sự bền bỉ. Dẫu không nhìn thấy ánh sáng, nhưng với quyết tâm và khát vọng, cậu đang dần thắp sáng lên con đường tương lai cho chính cậu và mở ra hướng công việc mới cho cả những người đồng cảnh ngộ.
Hải Anh