Ảnh bìa

Thể lệ Cuộc thi “Lan tỏa cuốn sách tôi yêu và tấm gương học tập suốt đời”

THỂ LỆ CUỘC THI

“LAN TỎA CUỐN SÁCH TÔI YÊU VÀ TẤM GƯƠNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI”

(Kèm theo công văn số  266/HNM-TVG ngày 09 tháng 8 năm 2023)

 

 

 

         I. MỤC ĐÍCH CUỘC THI

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và học sinh, sinh viên khiếm thị về giá trị của việc nghe, đọc sách; xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng nghe, đọc sách, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn trong cán bộ, hội viên và học sinh, sinh viên khiếm thị.

- Tạo sức lan tỏa văn hóa nghe, đọc sách trong toàn Hội cũng như trong cộng đồng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập; xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghe đọc sách hiệu quả và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên khiếm thị.

- Khơi dậy khả năng sáng tác của cán bộ, hội viên; từ đó, bồi dưỡng, phát huy nhằm lan toả những tấm gương người khiếm thị, người khuyết tật; góp phần tuyên truyền phát triển văn hóa nghe, đọc sách nói riêng và các mặt hoạt động Hội nói chung.

           

II. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI

Cuộc thi dành cho cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên khiếm thị trong toàn Hội. Cuộc thi chia làm 03 nhóm đối tượng:

Nhóm đối tượng 1: Cán bộ các cấp Hội và hội viên từ 18 tuổi trở lên (không phải là học sinh, sinh viên).

Nhóm đối tượng 2: Nhóm học sinh trung học phổ thông và sinh viên.

Nhóm đối tượng 3: Nhóm học sinh tiểu học và Trung học cơ sở.

Nếu là bài dự thi của một nhóm thì các thành viên phải thuộc cùng một nhóm đối tượng và phải có thành viên là người khiếm thị.    

     

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ MỘT SỐ QUI ĐỊNH ĐỐI VỚI BÀI DỰ THI

 1. Nội dung

Thí sinh chọn một trong 4 chủ đề sau:

Chủ đề 1: Anh (chị, em) giới thiệu nội dung và cảm nhận về một cuốn sách viết về Bác Hồ, thông qua nội dung cuốn sách, anh (chị, em) đã học tập và làm theo Bác như thế nào trong học tập, công tác và đời sống?

Chủ đề 2: Anh (chị, em) giới thiệu nội dung và cảm nhận về một cuốn sách viết về tấm gương nghị lực, vượt khó của người khuyết tật. Cuốn sách đó đã truyền cảm hứng hoặc làm thay đổi suy nghĩ, hành động của anh (chị, em) như thế nào để thành công trong học tập, lao động và cuộc sống?

Chủ đề 3: Anh (chị, em) hãy giới thiệu nội dung và cảm nhận về một cuốn sách đã cho anh (chị, em) những bài học ý nghĩa. Những bài học đó đã được vận dụng như thế nào để giúp anh (chị, em) có thêm kiến thức, kỹ năng, nghị lực…vươn lên trong học tập và các lĩnh vực của cuộc sống?

Chủ đề 4: Viết về tấm gương người khiếm thị thành công trong học tập, lao động sản xuất và trong cuộc sống nhờ ham đọc sách và học tập suốt đời hoặc sáng tác bài thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm …có nội dung khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm đọc và học tập suốt đời.

        2. Hình thức, quy định cụ thể và yêu cầu đối với bài dự thi: Bài dự thi trình bày thành 2 phần:

      Phần thứ nhất: Thông tin thí sinh tham dự cuộc thi

Họ và tên: ......................................................................................................................

Ngày/ tháng/ năm sinh: .................................................................................................

Nếu bài dự thi của 1 nhóm, cần ghi rõ tên nhóm, các thành viên và nhóm trưởng.

Đơn vị công tác/sinh hoạt: ……………………………………………………………

Nếu là học sinh/sinh viên, ghi rõ: ... trường…. lớp…. …………………………………

Số điện thoại liên hệ (của cá nhân/người bảo trợ/trưởng nhóm): ....................................

Email (của cá nhân/ người bảo trợ/đại diện nhóm): .......................................................

      Phần thứ 2: Nội dung bài dự thi

-   Thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức: bài viết trên bản word, video clip hoặc audio để tham gia cuộc thi và gửi bài dự thi trực tuyến đến Email của Ban Tuyên Văn giáo bantvg@gmail.com. Bài dự thi hợp lệ phải làm đủ các nội dung trong chủ đề lựa chọn.

-   Ngôn ngữ trình bày: Tiếng Việt

-   Thí sinh cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng các nội dung, đoạn trích, câu nói, tranh, hình ảnh… của người khác trong bài dự thi.

-   Bài dự thi viết/đánh máy với độ dài từ 1.000 - 3.000 chữ (khuyến khích sử dụng hình ảnh minh họa), trình bày trên khổ A4

-   Bài dự thi dạng clip, audio từ thời lượng tối thiểu là 5 phút, tối đa là 10 phút, đảm bảo về chất lượng hình ảnh và âm thanh. Thí sinh có thể sử dụng các hiệu ứng, kỹ xảo về hình ảnh và âm thanh. Trường hợp có sử dụng các hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh phải ghi rõ nguồn.

-   Minh họa và quay video có thể sử dụng sự hỗ trợ của người khác nhưng bài viết và thuyết trình phải do chính thí sinh/đại diện nhóm thí sinh thực hiện.

-   Video clip được lưu bằng định dạng phổ biến mp4, Audio được lưu dưới định dạng mp3.

-   Khi chia sẻ về một tấm gương điển hình đã thành công nhờ ham đọc sách và học tập suốt đời, phải là những tấm gương người thật việc thật đã được trực tiếp chứng kiến hoặc đọc qua sách báo (ghi rõ nguồn).

-   Thí sinh phải đảm bảo bản quyền về ý tưởng và các sáng tác khi tham gia cuộc thi là của riêng mình; không được sử dụng lại các bài đã tham gia trong các cuộc thi khác hoặc đã được công bố.

-   Ban Tổ chức toàn quyền sử dụng các tác phẩm tham dự để phục vụ mục đích tuyên truyền, tư liệu hoạt động Hội và các hoạt động khuyến đọc và học tập suốt đời.

  

IV. PHẠM VI, THỜI GIAN TỔ CHỨC CUỘC THI, ĐỊA CHỈ NHẬN BÀI DỰ THI

       1. Quy mô và thời gian tổ chức cuộc thi

          Cuộc thi “Lan tỏa cuốn sách tôi yêu và tấm gương học tập suốt đời” được tổ chức đối với cá nhân/nhóm được quy định tại mục II của Thể lệ này trong phạm vi tổ chức Hội người mù trên toàn quốc. Cuộc thi được tổ chức 2 vòng sơ khảo và vòng chung khảo toàn quốc.

          a.Vòng sơ khảo: Hội người mù các tỉnh, thành phố tổ chức, từ tháng 8 đến hết tháng 9 năm 2023. Ban tổ chức vòng sơ khảo chấm và lựa chọn các bài có chất lượng gửi dự thi vòng chung khảo toàn quốc (không giới hạn số lượng bài gửi tham dự vòng chung kết)

 b. Vòng chung khảo toàn quốc: Trung ương Hội tổ chức, từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 11/2023

- Thời gian nhận bài vòng chung khảo toàn quốc từ ngày 01/10 – 07/10/2023.

Từ ngày 10/10 – 25/10/2023: Ban Giám khảo chấm vòng 1 lựa chọn các bài có chất lượng tốt vào vòng 2

-   Từ ngày 01/11 -15/11: Các bài được lựa chọn vào vòng 2 sẽ được đăng tải trên kênh Youtube, Facebook Hội Người mù Việt Nam, để khán giả bình chọn (Trung ương Hội sẽ có thông báo lịch và hướng dẫn cách bình chọn sau). Đồng thời Ban giám khảo cuộc thi chấm điểm các bài vòng 2.

-   Công bố, trao thưởng và tổng kết cuộc thi: Ban Tổ chức tổng kết, công bố và trao thưởng, dự kiến vào cuối tháng 11/2023.

2. Cách thức gửi bài dự thi tham dự vòng chung khảo toàn quốc:

- Bài dự thi được lưu dưới dạng mẫu sau: Tên người dự thi – tên đơn vị (Ví dụ Nguyễn Văn A - HNM Bắc Ninh)

- Bài dự thi gửi về: Email của Ban Tuyên văn giáo Hội Người mù Việt Nam bantvg@gmail.com

- Chủ đề của email ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi

 

V. GIẢI THƯỞNG CUỘC THI      

Ban tổ chức dự kiến giải thưởng

Giải Nhất: 03 giải (mỗi nhóm đối tượng dự thi 01 giải)

Giải Nhì:  06 giải (mỗi nhóm đối tượng dự thi 02 giải)

Giải Ba:  09 giải (mỗi nhóm đối tượng dự thi 03 giải);

Giải bài dự thi có nhiều người bình chọn và yêu thích nhất 01 giải

Căn cứ vào đề xuất của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao các giải khuyến khích, giải chuyên đề khác nhau.

Trung ương Hội tặng Giấy chứng nhận và giải thưởng cuộc thi cho các cá nhân/nhóm đạt giải.

Những bài thi đạt chất lượng có thể được đăng trên tạp chí Đời Mới, cổng thông tin điện tử Hội Người mù Việt Nam./.