Ảnh bìa

Khai giảng lớp tập huấn pha chế đồ uống cho người khiếm thị Việt Nam

Sáng 8/5/2023, Trung ương Hội phối hợp với Tổ chức Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) tổ chức trao tài trợ và khai giảng lớp tập huấn pha chế đồ uống cho người khiếm thị Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo Trung ương Hội, Tổ chức Siloam, Ban Giám đốc và cán bộ giáo viên Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù cùng các thầy cô giáo, học viên tham dự khoá tập huấn.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh phát biểu khai mạc chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội vui mừng cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ Hội in ấn sách giáo khoa chữ nổi, xây dựng thư viện trực tuyến thì năm 2023, Trung tâm Siloam hỗ trợ Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù mở lớp tập huấn pha chế đồ uống cùng các trang thiết bị cần thiết cho việc pha chế. Lớp tập huấn sẽ là một dấu mốc mới trong sự hợp tác giữa Hội và Tổ chức Siloam, góp phần vun đắp tình cảm giữa người khiếm thị hai nước. Mặc dù là một loại hình mới mẻ, nhưng đồng chí Đinh Việt Anh hy vọng, khi nhu cầu về thưởng thức ẩm thực, đồ uống đang ngày một cao trong xã hội, sự phù hợp về sức khỏe, khả năng của người khiếm thị đối với công việc này, kinh nghiệm thành công tại một số quốc gia, lớp tập huấn sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị Việt Nam.

Ảnh: Ông Choi Dong Ik, Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam phát biểu tại chương trình.

Ông Choi Dong Ik, Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam chia sẻ: Trung tâm Siloam đã thực hiện dự án mở những quán café do chính người khiếm thị phục vụ tại các quốc gia như Mông Cổ và Indonesia. Và đây là dự án thí điểm dạy pha chế cho người khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ phối hợp và hỗ trợ cho Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù để dự án thành công, mở ra cơ hội mới về nghề nghiệp của người khiếm thị Việt Nam.

Ảnh: Đồng chí Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam hy vọng có thêm nhiều hợp tác, hỗ trợ giữa hai quốc gia, tổ chức trong lĩnh vực Người khuyết tật.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam cho biết: Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Việt Nam có khoảng gần 15% dân số là người khuyết tật. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật, trong đó công tác đào tạo nghề và tạo việc làm được đặt lên hàng đầu nhưng nhìn chung người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong rằng: Chính phủ Hàn Quốc, các tổ chức đến từ Hàn Quốc nói chung và Tổ chức Siloam nói riêng sẽ hỗ trợ, chia sẻ về những kỹ thuật để khắc phục hậu quả sau chiến tranh; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ phục hồi chức năng, tiếp cận giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật. Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù trong các chương trình giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm để người mù có thể phát huy được khả năng, chủ động hơn trong cuộc sống và hoà nhập vào cộng đồng.

Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Trường phát biểu tại chương trình.

Đồng chí Phạm Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương Hội, Tổ chức Siloam và sự nỗ lực của thầy và trò, khoá tập huấn cũng như mô hình xây dựng quán cà phê của người khiếm thị sẽ được hiện thực hoá thành công tại Việt Nam.

Ảnh: Học viên Nguyễn Thị Xuân Trang hy vọng sau khoá học sẽ có thể theo đuổi nghề pha chế lâu dài.

Bạn Nguyễn Thị Xuân Trang ở Hưng Yên - một học viên tham dự khoá học lần này cho biết: Là một hội viên nữ, em đã được Hội dìu dắt ngay từ khi là một học sinh và trải qua những lớp học, khoá đào tạo do Hội tổ chức, em ngày một trưởng thành hơn. Em hy vọng rằng khoá học sẽ mở ra cho em một cơ hội mới và sau khi đã có nghề, em và các bạn có thể theo đuổi được nghề một cách lâu dài, mang lại thu nhập cho cuộc sống của mình.

Ảnh: Ông Choi Dong Ik trao biển tài trợ cho đồng chí Đinh Việt Anh.

Tham dự khoá tập huấn có 6 học viên đến từ thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên. Dự kiến, lớp tập huấn sẽ diễn ra trong 4 tháng với 11 nội dung học tập như: Khái quát về bar, các nguyên liệu và trang thiết bị, kỹ thuật pha chế trà, cà phê, ca cao, kỹ thuật pha chế các loại nước ép, sinh tố, hoa quả trộn, đồ uống đá xay, mocktail, cocktail…

Ảnh: Lãnh đạo Trung ương Hội, Trung tâm Siloam, ban Giám đốc Trung tâm, đại biểu khách mời, các thầy cô giáo  học viên chụp ảnh lưu niệm.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã chứng kiến lễ khai trương phòng pha chế đồ uống và các thiết bị do Tổ chức Siloam hỗ trợ.

Ảnh: Đại diện hai đơn vị khai trương phòng pha chế đồ uống tại Trung tâm.

Ảnh: Các đại biểu tham quan thiết bị tại phòng pha chế đồ uống.

Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động trong nước, Hội Người mù Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, Tổ chức Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người mù Việt Nam trong học tập, dạy nghề, giao lưu âm nhạc.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) đã ký kết với Trung ương Hội chương trình hỗ trợ máy in chữ nổi, in sách giáo khoa chữ nổi, đào tạo massage, vận hành thư viện trực tuyến cho người mù, giao lưu âm nhạc. Các hoạt động trong khuôn khổ dự án đã giúp các em học sinh khiếm thị giảm bớt khó khăn và học tập tốt hơn, giúp những kỹ thuật viên massage có nhiều kỹ năng để áp dụng trong công việc; đồng thời, giúp người khiếm thị có cơ hội giao lưu, chia sẻ và hội nhập quốc tế.

Thuỳ Dương