Ảnh bìa

Mẹo giữ gìn sức khỏe trong mùa hè nắng nóng mà bạn nên biết

Mùa hè năm nay được dự đoán sẽ nắng nóng trên diện rộng và nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, các đợt nắng nóng có thể kéo dài lên 7 ngày.

Nắng nóng kéo dài và nhiệt độ cao hơn nền nhiệt các năm khác có thể dẫn đến tình trạng sóng nhiệt. Sóng nhiệt hình thành khi không khí tĩnh (ít di chuyển) tại một địa phương hay một vùng. Sóng nhiệt có thể gây ra các bệnh như chuột rút, suy kiệt, đột quỵ do nhiệt... thậm chí tử vong.

Sóng nhiệt bắt đầu được quan tâm khi trở thành nguyên nhân chính của những rủi ro về sức khỏe, môi trường... Sóng nhiệt ở Chicago (Mỹ) năm 1995 làm 600 trường hợp tử vong, sóng nhiệt ở châu Âu năm 2003 làm 50000 người tử vong.

Trẻ nhỏ, người già là những đối tượng dễ mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng nhất. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng nếu họ làm việc quá sức hoặc đơn giản là không coi trọng các cảnh báo về nhiệt độ.

Dưới đây là mẹo giữ gìn sức khỏe trong mùa hè nắng nóng mà bạn nên biết.

Giữ cho cơ thể đủ nước: Nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, nước tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể như: quá trình hấp thu, quá trình chuyển hóa, quá trình đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.

Nếu cơ thể bị thiếu khoảng 2% nước sẽ thấy mệt mỏi, nếu thiếu khoảng 10% nước thì sẽ dẫn tới tình trạng nguy hiểm, nếu thiếu 20% lượng nước trong cơ thể thì có thể dẫn tới tử vong.

Vì thế, bạn cần uống nước ngay cả khi bạn không khát. Thời tiết nóng khiến bạn đổ mồ hôi và điều quan trọng là phải bổ sung lượng chất lỏng bị mất nếu không bạn sẽ mệt mỏi hoặc thậm chí là gặp nguy hiểm.

Tuyệt đối không được để trẻ nhỏ ở trên xe ô tô dưới thời tiết nắng nóng dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn do trẻ em tạo ra nhiệt nhiều hơn so với kích thước cơ thể. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ lưu ý rằng, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Ngoài ra, khả năng làm mát qua mồ hôi của trẻ không được phát triển như người lớn.

Ở trong nhà vào thời điểm nóng nhất trong ngày: Khoảng thời gian nóng nhất trong ngày sẽ bắt đầu từ khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Bạn cần hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian nắng nóng này. Tránh hoạt động vất vả và hoãn các trò chơi và sự kiện ngoài trời.

Khi bạn ở ngoài trời, hãy chắc chắn rằng, bạn tránh ánh nắng trực tiếp càng nhiều càng tốt. Đội mũ, che ô và dùng kem chống nắng là những điều quan trọng cần làm.

Sử dụng rèm cửa để tránh ánh nắng: Khi ở nhà, bạn có thể sử dụng rèm cửa hoặc mành che để tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu không có điều hòa, hãy ở tầng thấp nhất của ngôi nhà và ở khu vực thông thoáng có quạt. Bạn có thể đặt một khay hoặc đĩa đá trước quạt sẽ giúp làm mát phòng nhanh chóng.

Không sử dụng chất kích thích: Không uống rượu, soda có đường, cà phê, nước tăng lực hoặc đồ uống có chứa caffein khác vì chúng làm bạn mất nước.

Ăn uống vừa phải: Vào mùa hè bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ và ăn thường xuyên hơn. Ăn thực phẩm có chất dinh dưỡng và cả thực phẩm có hàm lượng nước cao hơn như trái cây và rau quả.

Trang phục thoải mái: Bạn nên mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, thoáng mát, sáng màu và đội mũ làm bằng chất liệu thoáng khí, không nên mặc quần áo bó sát vì sẽ giữ nhiệt.

Ngoài ra, nếu bạn vẫn cảm thấy quá nóng, hãy làm mát cơ thể bằng cách đắp khăn ướt trên cổ tay và cổ. Mang theo chai xịt nước lạnh hoặc xịt khoáng làm mát da mặt và xịt nước lạnh vào các điểm áp lực để hạ nhiệt độ cơ thể.

Trong các đợt nắng nóng, bạn cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để cập nhật được chính xác những thông tin liên quan đến thời tiết để có các biện pháp phòng tránh phù hợp.