Ảnh bìa

Thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” anh Phạm Văn Học vươn lên làm kinh tế giỏi

Xã Sơn Hồng, một xã nghèo, vùng sâu vùng xa của huyện Hương Sơn, đời sống của đa số người dân trong đó có anh chị em hội viên trong Hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng có lẽ chính từ sự khó khăn, vất vả ấy đã tôi luyện cho những con người nơi đây một nghị lực mạnh mẽ để vượt qua những gian khổ. Anh Phạm Văn Học - hội viên Hội Người mù huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là một tấm gương điển hình như vậy.

Trước đây, cũng như nhiều hộ khác, cuộc sống gia đình anh Học gặp rất nhiều khó khăn. Vì không có vốn để tăng gia sản xuất nên thu nhập của gia đình anh chỉ trông vào vài sào ruộng, nuôi thêm vài chục con gà, con vịt. Đã có những lúc cơm không có để ăn no, áo không có đủ ấm, cuộc sống bao lần lâm vào bế tắc. Nhưng với nghị lực của bản thân, vì gia đình, anh đã quyết tâm không cam chịu số phận và vượt qua khó khăn bằng chính đôi tay của mình.

Tham gia vào tổ chức Hội, anh được Hội Người mù Hương Sơn cho đi học lớp chữ Braille, học nghề làm tăm tre, bện chổi. Anh vận dụng kiến thức đã được học, mày mò từng cọng đót để bện chổi. Những chiếc chổi đót được anh chăm chút bó buộc cẩn thận, vừa chắc lại bền, được bà con trong vùng ưa chuộng. Vừa làm chổi, anh còn thanh thủ làm thêm tăm tre cho cơ sở sản xuất của Hội để có thu nhập đều đặn hàng tháng.

Không dừng lại ở đó, anh còn mạnh dạn vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm từ Hội Người mù Hương Sơn với số tiền 15 triệu đồng để nuôi thêm gia súc, gia cầm. Từ bàn tay trắng đi lên, hiện nay, anh đã có đàn bò sinh sản 6 con phát triển tốt, hàng năm thường xuyên có bê con để bán. Ngoài ra, đàn gà 50 con được Hội hỗ trợ giống đã cho trứng mang lại thu nhập đều đặn cho gia đình.

Đàn bò của gia đình anh Phạm Văn Học.

            Năm 2018, anh tham gia học lớp nuôi ong lấy mật do Hội Người mù Hà Tĩnh hỗ trợ kinh phí, tổ chức học tại Huyện hội Hương Sơn. Qua lớp học, anh nắm bắt kiến thức, kỹ thuật, cách lấy mật, tạo đàn, áp dụng vào thực tế phát triển nghề nuôi ong có hiệu quả, nâng cao đời sống cho gia đình. Đến nay, gia đình anh có 30 đàn ong lấy mật, hàng năm, cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

30 đàn ong lấy mật của anh Học.

            Nhờ có các sản phẩm chăn nuôi bán ra thị trường nên gia đình anh có cuộc sống ổn định, xây dựng được ngôi nhà khang trang hơn, các con của anh được học hành đến nơi đến chốn. Con lớn của anh đã có gia đình, con thứ hai đã ra trường và có việc làm ổn định. Không chỉ mải mê chăm lo kinh tế, anh Học còn là hội viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội và phong trào tại địa phương.

Có được như ngày hôm nay, là cả một quá trình dài cùng với sự cố gắng, quyết tâm thoát nghèo, thoát khỏi số phận, vươn lên để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với anh chị em trong tổ chức Hội và bà con, anh là niềm tự hào, là một tấm gương sáng vượt khó, điển hình cho lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”.

            Đào Thị Xuân