Phi hành gia Valentina Tereshkova - bóng hồng đầu tiên bay vào vũ trụ
Năm 1963, chuyến bay vào vũ trụ của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Cuộc hành trình đặc biệt này của bà đã đi vào lịch sử của ngành khoa học vũ trụ thế giới đồng thời chứng minh rằng phụ nữ có thể thực hiện các nhiệm vụ giống như nam giới.
Valentina Tereshkova sinh ra ở ngôi làng nhỏ gần thành phố Yaroslavl, nước Nga vào ngày 6/3/1937.Cha bà là một người lái máy kéo, còn mẹ làm việc trong một nhà máy dệt. Khi học xong, bà làm việc ở một nhà máy dệt, sau đó đi học nghề kĩ sư.
Thích nhảy dù từ khi còn trẻ, Tereshkova bắt đầu học nhảy dù tại một câu lạc bộ bay địa phương. Bà thực hiện cú nhảy đầu tiên ở tuổi 22 vào tháng 5/1959.
Năm 1961, bà làm thư ký cho Đoàn Thanh niên địa phương, sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ảnh: Valentina Tereshkova thực hiện sứ mệnh bay vào không gian một mình.
Cùng lúc ấy ở Nga, sau chuyến bay của Yuri Gagarin vào năm 1961, Sergey Korolyov, kĩ sư trưởng của chương trình vũ trụ Liên Xô, nghĩ tới việc đưa một phụ nữ lên vũ trụ.
Với niềm đam mê được khám phá bầu trời, Valentina Tereshkova nhanh chóng có tên trong danh sách gồm 58 cô gái trẻ đầu tiên đăng ký tham gia chương trình nghiên cứu không gian vũ trụ của Liên Xô.
Bà tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Không gian và Vũ trụ Zhukovsky vào năm 1969, đồng thời tham gia khóa huấn luyện vận hành tàu vũ trụ Vostok tại Liên Xô, chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của phi hành gia nữ.
Rốt cuộc, Valentina Tereshkova đã vượt qua hơn 400 ứng cử viên để trở thành người thực hiện chuyến bay lịch sử trên tàu vũ trụ Vostok 6 vào ngày 16/6/1963. Vào thời điểm được chọn làm phi hành gia, bà vẫn đang làm công nhân dệt may ở một địa phương.
Bà đã trải qua vài tháng huấn luyện vô cùng gian khổ, bao gồm các bài học về chuyến bay không trọng lượng, thử nghiệm cách ly, thử nghiệm máy ly tâm, nhảy dù 120 lần và huấn luyện để trở thành phi công lái máy bay phản lực.
Sau khi tận mắt được chứng kiến buổi phóng của sứ mệnh Vostok-5 tại Sân bay vũ trụ Baikonur vào ngày 14/6/1963, Tereshkova bước vào giai đoạn hoàn tất việc chuẩn bị cho chuyến bay của chính mình.
Sáng 16/6/1963, Tereshkova cùng với Solovyova - phi hành gia dự bị của bà, đều mặc đồ du hành vũ trụ rồi được đưa đến bệ phóng bằng xe buýt.
Sau khi hoàn thành việc kiểm tra hệ thống liên lạc và hỗ trợ sự sống, Tereshkova tiến vào bên trong tàu vũ trụ, cố định vị trí. Trước lúc con tàu cất cánh, nhiều người vẫn còn nhớ những cảm xúc mãnh liệt của Tereshkova: "Hỡi bầu trời, hãy ngả mũ!".
Sau 2 giờ đếm ngược, Vostok-6 cất cánh mà không gặp bất kỳ sự cố nào. Sau vài giờ, Tereshkova đã liên lạc được với nhà du hành Bykovsky thuộc sứ mệnh Vostok-5. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử hai tàu vũ trụ có người lái ở trong không gian cùng một lúc.
Với ký hiệu cuộc gọi vô tuyến là "Chaika" (chim mòng biển), Tereshkova đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ khi bà 26 tuổi.
Nhớ lại những phút giây vinh quang đó, nữ phi hành gia không giấu được sự nghẹn ngào. Bà trả lời trên sóng truyền hình: "Tôi hạnh phúc vì số phận đã trao cho tôi niềm vinh dự khó khăn được ở trong số những người đặt nền móng cho con đường đi đến các vì sao".
Trong nhiệm vụ kéo dài chưa đầy 3 ngày (cụ thể là 2 ngày 23 giờ 12 phút), Tereshkova liên tục ghi lại nhật ký chuyến bay và thực hiện nhiều bài kiểm tra khác nhau để thu thập dữ liệu về phản ứng của cơ thể với các chuyến bay vũ trụ.
Những bức ảnh chụp Trái Đất và đường chân trời của bà sau đó được sử dụng để xác định các tầng sol khí (Aerosol) trong bầu khí quyển.
Ở tuổi 26, Valentina Tereshkova được phong danh hiệu "Anh hùng Liên Xô". Tên của bà được đặt cho một ngọn núi lửa trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh, cũng như một loạt các tuyến phố trong và ngoài nước Nga.
Trong suốt nửa thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, bà trở thành tác giả của hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời nhận được nhiều phần thưởng cao quý, gồm Huân chương Lenin, Huân chương Cách mạng tháng Mười, Huy chương Hòa bình của Liên hợp quốc… và được phong tặng hàng chục danh hiệu danh dự trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam (1971).
Dẫu vậy, thành tựu lớn nhất cuộc đời bà có lẽ vẫn là tạo ra cuộc cách mạng cho nữ giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Trong 6 thập kỷ kể từ khi Tereshkova lần đầu tiên mạo hiểm bước vào vũ trụ, đã có thêm rất nhiều phi hành gia nữ tiếp bước bà chiếm hơn 11% tổng số các phi hành gia vũ trụ, như một lời khẳng định cho tầm quan trọng và vị trí của "phái đẹp".