Ảnh bìa

Sống lại ký ức lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 4-4-1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra, giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời từ sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn báo chí kháng chiến. Đây không chỉ là nơi khởi nguồn cho sự nghiệp đào tạo cán bộ báo chí mà còn là nơi hun đúc nên lớp nhà báo đầu tiên, mang trong mình lý tưởng, tinh thần phụng sự cách mạng không gì lay chuyển.

Trường do nhà báo Đỗ Đức Dục làm giám đốc, nhà báo Xuân Thủy làm phó giám đốc. Các nhà báo Như Phong, Đỗ Phồn, Tú Mỡ là ủy viên ban giám đốc.

42 học viên là những cán bộ chính trị, quân sự, nhà báo ưu tú từ khắp 3 miền đã được đào tạo bởi 29 giảng viên, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trí thức, chiến sĩ cách mạng có uy tín, có lý luận sâu sắc và thực tiễn phong phú như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…

Với lực lượng giảng viên này, trường đào tạo tuy chỉ kéo dài ba tháng, từ 4-4 đến 6-7-1949 nhưng 42 học viên trở thành những nhà báo xuất sắc, đảm nhận nhiệm vụ tại các cơ quan báo chí, tuyên truyền. Họ là những cây bút chủ lực, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây đắp nền báo chí nước nhà.

Ảnh: Thầy trò Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ngày khai giảng, 04/4/1949 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư động viên tinh thần, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo chí cách mạng cho các học viên.

Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, muốn viết báo thì cần: “1-Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2-Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3-Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại 3, 4 lần, sửa chữa lại cẩn thận, tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4-Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ...”. Lời dạy này là kim chỉ nam cho mọi thế hệ người làm báo sau này.

Tổng Bí thư Trường Chinh tháng 6-1949 đã viết: “Khóa thứ nhất trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay.

Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng hội Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.

Lớp học đơn sơ, trong lán nứa giữa rừng già, nhưng kiến thức được truyền dạy nơi đây chính là nền móng xây dựng một nền báo chí cách mạng kiên cường, bản lĩnh và trí tuệ.

Sau khóa học, các học viên của Trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc); đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương), nhà thơ Hải Như ....

Với lịch sử quan trọng này, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2019.

Công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được tu bổ, tôn tạo và hoàn thành vào tháng 8-2024 gồm các hạng mục chính:

Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại. Xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Tại đây phỏng dựng lại lớp làm báo năm xưa cùng những thông tin, hình ảnh dựng lại lịch sử đáng tự hào của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2.

Hạng mục này phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950.

Những hình ảnh, hiện vật cho thấy hoạt động sôi nổi trên mặt trận văn nghệ, tư tưởng, báo chí trong 9 năm kháng chiến ở Việt Bắc.

Ngoài ra, công trình còn có hạng mục bức phù điêu với 48 chân dung các thành viên ban giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo; quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện rộng 200m2...

Di tích sau khi tu bổ, tôn tạo được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn...

Thiên Điểu (Tuổi trẻ)