Ảnh bìa

Hành trình đến Hiệp định Paris

Cách đây tròn 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.

Hành trình kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, bắt đầu ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng nghìn cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, Hội nghị Paris về Việt Nam trải qua hai đời Tổng thống Mỹ là Lyndon B. Johnson và Richard Nixon, bao gồm hai cuộc hội nghị kế tiếp nhau.

Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ từ 13-5-1968 đến 1-11-1968. Hội nghị 4 bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn từ 25-1-1969 đến 27-1-1973.

Trong khi Mỹ liên tục thay thế các trưởng đoàn đàm phán (Hariman, Cabot Lodge, David Bruce, William Parter…), trưởng hai phái đoàn của ta là Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, trong suốt quá trình đàm phán không thay đổi.

Ảnh: Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. Nguồn ảnh: Văn Lượng/Thông tấn xã Việt Nam

 

Hiệp định Paris gồm 9 chương 23 điều, trong đó đề cập 4 loại điều khoản chính: Các điều khoản chính trị ghi các cam kết của Hoa Kỳ; Các điều khoản về quân sự; Các điều khoản về nội bộ miền Nam; Các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc, gợi ý một giải pháp ngoại giao, nhằm “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự” sau đòn tiến công của quân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ngày 13-5-1968, hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên phố Kléber, Paris.

Qua 28 phiên họp chính thức, 21 cuộc gặp riêng, bí mật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã buộc chính quyền Johnson từ ngày 1-11-1968 phải quyết định chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Nguyễn Văn Thiệu. Đây được coi là một trong những thắng lợi quan trọng đầu tiên của Việt Nam trên bàn đàm phán.

Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất tổ chức Hội nghị Bốn bên.

Từ ngày 25-1-1969 đến khoảng giữa tháng 7-1972 phía ta kiên quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Đàm phán diễn ra quyết liệt và căng thẳng khi Nixon triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.  Ngày 24-3-1972, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn.

Ngày 30-3-1972, quân ta thực hiện cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thắng lợi của đợt tấn công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã phục vụ tích cực cho đấu tranh chính trị và ngoại giao, nhất là thúc đẩy đưa đàm phán Paris đi vào thực chất. Mỹ phải quay lại Hội nghị toàn thể bốn bên vào ngày 13-7-1972.

Cuối tháng 12-1972, khi con át chủ bài cuối cùng của Mỹ dùng B52 đánh phá, hủy diệt Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc đã bị quân và dân ta đánh gục trong chiến thắng vang dội “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ mới chấp nhận ký Hiệp định.

Ngày 30-12-1972, Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris.

Ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Nguồn ảnh:Thông tấn xã Việt Nam

 

Ngày 8-1-1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Đến ngày 13-1-1973, các bên hoàn thành văn bản của Hiệp định. Ngày 27-1-1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và bốn Nghị định thư liên quan được ký chính thức. Ngày 28-1-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.

Thanh Sơn (Báo Quân đội nhân dân)