Ảnh bìa

Báo Thanh niên – Khởi nguồn báo chí Cách mạng Việt Nam

Báo Thanh niên có nhiệm vụ tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Việt Nam cách mạng thanh niên, trình bày một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, về lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đầu năm 1925, trên cơ sở những hội viên trung kiên của Tâm tâm xã, Bác Hồ (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) thành lập một Nhóm bí mật trong đó có 5 đảng viên cộng sản dự bị và 2 đoàn viên thanh niên cộng sản dự bị. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, từ nòng cốt Nhóm bí mật này, Bác thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, thông qua Chính cương, Điều lệ và Chương trình hành động của Hội. Tôn chỉ và mục đích của Việt Nam cách mạng thanh niên là “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ sở) rồi sau đó làm cách mạng thế giới, lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản".

Sau khi thành lập Hội, Bác đã cho xuất bản tờ báo Thanh niên tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Báo Thanh niên có nhiệm vụ tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Việt Nam cách mạng thanh niên, trình bày một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, về lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo.

Số đầu tiên ra mắt vào ngày 21-6-1925. Từ đó cho đến tháng 4-1927, báo do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách và ra được 88 số. Sau khi Bác rời Quảng Châu đi Liên Xô, những đồng chí khác trong Tổng bộ đã kế tục việc xuất bản và hoạt động cho đến tháng 2-1930 với 202 số.

Trong 88 số đầu, Báo Thanh niên tập trung vào giáo dục lòng yêu nước, khơi sâu chí căm thù của nhân dân ta đối với đế quốc và phong kiến tay sai, đồng thời giới thiệu Cách mạng Tháng Mười và nước Nga Xô viết. Từ số 89 trở đi, báo bắt đầu nêu lên những nguyên lý cơ bản về xây dựng Đảng kiểu mẫu, về nhu cầu phải thành lập chính đảng cộng sản ở nước ta, về phương hướng phát triển của cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam.

Báo Thanh niên được viết tay bằng bút thép trên trang giấy sáp, in mỗi kỳ trên 100 bản tại cơ sở bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc. Thời gian đầu, báo ra một tuần một kỳ, về sau do điều kiện khó khăn nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, khi 5 tuần. Măng sét báo viết hai chữ Thanh niên bằng tiếng Hán và tiếng Việt. Góc trái mỗi tờ báo là ngôi sao 5 cánh, trong đó ghi số báo. Phần lớn là 2 trang, một số ít ra 4 trang, khổ giấy trung bình 13cm x 19cm. Là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng từ số 1 đến số 107 không thấy có tiêu đề của tờ báo, cho đến số 108 ngày 28/7/1929 mới thấy có tiêu đề của tờ báo là “Cơ quan của Đảng Việt Nam cách mạng thanh niên” ở vị trí ngôi sao năm cánh được thay bằng một ngôi sao và hình búa liềm.

Ra đời trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang hoạt động bí mật ở nước ngoài, Báo Thanh niên số lượng in có hạn, mỗi số xuất bản được 100 bản. Sau khi báo phát hành, số lớn được đóng gói rất cẩn thận, theo đường dây bí mật của Đảng, từ Quảng Châu chuyển về trong nước và sang Xiêm, Nhật để tuyên truyền đường lối cách mạng.

Với nội dung ngắn gọn, thể loại đa dạng, lời văn giản dị, trong sáng, báo đã góp phần giáo dục về đạo đức cách mạng, tinh thần hy sinh cho cách mạng và tư tưởng cách mạng triệt để của giai cấp công nhân.

Báo Thanh niên đánh dấu sự ra đời báo chí cách mạng Việt Nam, là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt do người Việt Nam viết để phục vụ sự nghiệp giải phóng của người Việt Nam, nói lên ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Báo giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vạch rõ con đường cứu nước chân chính của dân tộc Việt Nam. Báo Thanh niên vừa là người tuyên truyền, cổ động tập thể, vừa là người tổ chức tập thể và nó góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của báo Thanh niên đã mở đầu lịch sử truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Với ‎ý nghĩa to lớn đó, ngày 05/02/1985 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52/QĐ-TW, lấy ngày 21 tháng 6 hàng năm làm ngày Báo chí Việt Nam. Đến ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.

 (Tham khảo Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2008)