Ảnh bìa

Tỉnh hội Hải Dương nâng cao chất lượng công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị

Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, xác định việc giáo dục nâng cao trình độ văn hóa cho người mù, đặc biệt trẻ em mù là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí và xóa đi sự mặc cảm, tự ti của người mù, Tỉnh hội Hải Dương đã mở các lớp học cho hội viên và trẻ em mù.

Từ 12 trẻ em khiếm thị được tập trung về Tỉnh hội tham gia lớp học đầu tiên năm 2001, đã hình thành Trung tâm Phục hồi chức năng, Giáo dục, Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù (Trung tâm) của Hội ngày nay.

Được UBND tỉnh ra quyết định thành lập tháng 8/2007, Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật. Trung tâm chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Hội người mù tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để thực hiện chức năng nhiệm vụ nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mù trong độ tuổi học đường.

 

Ảnh: Lớp học đào tạo nâng cao kỹ năng đọc viết chữ Braille cho cán bộ Hội.

Hiện nay Trung tâm có 60 em học sinh khiếm thị được ăn, ở, sinh hoạt học tập nội trú. Các em tham gia học hoà nhập tại các trường Tiểu học Võ Thị Sáu; Trường THCS Võ Thị Sáu; Trường THPT Hồng Quang và một số trường khác trên địa bàn thành phố Hải Dương.

 Buổi sáng, các em tham gia học hòa nhập tại trường; buổi chiều, các em được thầy, cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ, củng cố lại các nội dung đã học buổi sáng để nắm chắc hơn kiến thức đã được học. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ, đặc biệt là trẻ mới tham gia học hòa nhập để các em có kỹ năng khi tham gia học hòa nhập và tiếp thu bài trên lớp đạt hiệu quả nhất.

Tại trường hòa nhập, các em học sinh được miễn một số môn học và nội dung học tập. Các thầy cô giáo ưu tiên sử dụng hình thức kiểm tra miệng đối với học sinh khiếm thị. Với các bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, chuyển cấp, các em làm bài trên giấy chữ nổi và chuyển nội dung sang bản word máy tính sau đó email cho các thầy, cô chấm, lấy điểm làm căn cứ đánh giá kết quả học tập. Riêng học sinh THPT thì kiểm tra hỏi đáp trực tiếp trên lớp hoặc thầy cô chấm điểm qua đề cương ôn tập của học sinh. Kết quả năm học 2022- 2023 cấp tiểu học có 18/18 em đạt mức khá giỏi, trong đó có 5 em xếp loại giỏi, chiếm 27,7%; THCS có 27/27 em đạt mức khá; THPT có 7/7 em đạt yêu cầu.

Ngoài nội dung học văn hóa, Trung tâm tích cực mở các lớp năng khiếu như lớp nhạc cụ, thanh nhạc; lớp vẽ, nặn gốm để rèn luyện kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay, phát triển tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cử các cán bộ, huấn luyện viên hướng dẫn thường xuyên cho học sinh Trung tâm tập luyện môn bơi lội, cờ vua... Trung tâm cũng luôn khuyến khích các em tham gia các hoạt động Liên hoan văn nghệ, các cuộc thi và viết thư, đọc thơ, kể chuyện và các hoạt động thể thao như thi kéo co, vật tay, nhảy dây; tham quan, dã ngoại ...

Học sinh của Trung tâm là những hạt nhân tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao tổ chức tại các lớp học hòa nhập, tại Trung tâm và luôn dành được các giải cao khi tham gia các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, thể thao do Trung tâm và các đơn vị trong và ngoài Hội tổ chức.

Từ ngày thành lập đến nay đã có trên 60 học sinh tốt nghiệp ra trường, trong đó có 3 em tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trở thành giáo viên của Trung tâm; 2 em hiện đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Sau khi học xong tại Trung tâm, 100% các em được học nghề tẩm quất, có việc làm và thu nhập ổn định tại các cơ sở tẩm quất tập trung của Hội hoặc tự mở cơ sở riêng tại gia đình. Các em cũng là nguồn cán bộ trẻ tiềm năng của các đơn vị, hiện có 2 em là cán bộ chủ chốt, nhiều em là cán bộ BCH các cấp Hội.

Nhằm làm tốt hơn công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thị tại các trường học trên địa bàn thành phố Hải Dương, cuối tháng 1/2024, được sự giúp đỡ của trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Tỉnh hội Hải Dương đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh khiếm thị học hòa nhập trên địa bàn thành phố Hải Dương.

Tham gia Hội nghị có Ban giám hiệu và 11 thầy cô đến từ trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội; Đại diện Ban giám hiệu và 21 thầy cô của các trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Tiểu học Tô Hiệu, Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Trung học cơ sở Ngô Gia Tự  và trường Trung học phổ thông Hồng Quang, cùng cán bộ, giáo viên của Trung tâm.

Tại hội nghị, các thầy, cô giáo có nhiều năm giảng dạy học sinh khiếm thị của trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội trao đổi những nội dung liên quan đến học tập và sinh hoạt của học sinh khiếm thị học hòa nhập như: các hình thức giáo dục hòa nhập, công tác chủ nhiệm trong lớp hòa nhập; các nguyên tắc và phương pháp căn bản giáo dục học sinh khiếm thị hòa nhập; cách làm đồ dùng dạy học; cách kiểm tra đánh giá kết quả học tập và những thuận lợi, khó khăn khi dạy học sinh khiếm thị, từ đó giúp các thầy, cô của các trường có học sinh khiếm thị học hòa nhập nắm bắt thêm kỹ năng và kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh khiếm thị.

Phát biểu tại Hội nghị, cô Phạm Thị Thu Hằng, phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu – ngôi trường có nhiều năm giảng dạy cho trẻ khiếm thị đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy trẻ khiếm thị, đồng thời cho biết những nỗ lực của nhà trường cũng như của các thầy, các cô của trường trong việc dạy trẻ khiếm thị. Cô cho rằng nội dung của buổi trao đổi hết sức thiết thực và có ý nghĩa, qua buổi trao đổi này, các thầy, các cô đang dạy trẻ em trên địa bàn thành phố Hải Dương có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để dạy trẻ khiếm thị học hòa nhập ngày càng tốt hơn.

Hy vọng cùng với những kinh nghiệm được trao đổi trong hội nghị, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, giáo viên Trung tâm và sự hỗ trợ của ngành giáo dục địa phương sẽ góp phần giúp học sinh khiếm thị được học tập, vui chơi, phát triển khả năng của bản thân, không chỉ hoà nhập với cộng đồng mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

  Hà Quốc Đoàn