Ảnh bìa

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ V, nhiệm kì 2022-2027

Hội nghị Ban Chấp hành TW Hội lần thứ V, nhiệm kì 2022 – 2027 được long trọng tổ chức vào ngày 01/3/2024 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động Hội năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và một số nội dung về công tác tổ chức.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thơm – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đồng chí Trần Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện các Sở, ngành của tỉnh Nghệ An, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, lãnh đạo 55 Tỉnh, Thành hội và Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của hội nghị, đồng thời, mong muốn các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết vì sự tiến bộ, hạnh phúc của người mù, đề xuất những giải pháp phù hợp để hoạt động các cấp Hội ngày càng đa dạng, phong phú, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên.

Năm 2023 là năm thứ nhất thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Hội Người mù Việt Nam khoá X, nhiệm kì 2022 – 2027, các cấp Hội đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hội tiếp tục chăm lo đời sống cho 72.714 hội viên sinh hoạt tại 3.124 chi hội, 532 hội xã phường, 426 huyện Hội, 58 tỉnh, thành Hội (trong đó, 04 tỉnh hội Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bắc Kạn và Trà Vinh đã hợp nhất với Hội khác).

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội đọc báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Hội đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập với cộng đồng” và chương trình hành động “Việc làm, giảm nghèo bền vững”, Hội nghị tổng kết 25 năm triển khai công tác phụ nữ và trẻ em, Hội thảothúc đẩy giáo dục phổ thông, kết hợp với các buổi tập huấn, tổng kết và trao giải cuộc thi: “Thắm sắc hoa nghị lực”, “Lan tỏa cuốn sách tôi yêu và tấm gương học tập suốt đời”…   . Đặc biệt, Hội thảo massage người mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 đã được Hội tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 180 đại biểu quốc tế và 200 đại biểu trong nước. Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và đã thành công tốt đẹp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được các Ban, Bộ ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Hội cũng đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo và đóng góp ý kiến trong các lĩnh vực như việc làm, vốn vay, giáo dục, công tác xã hội cho người khuyết tật…

Cùng với Điều lệ Hội khoá X được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hội đã ban hành Hướng dẫn thực hiện Điều lệ, Quy chế hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực, tiêu chuẩn uỷ viên BCH các cấp để triển khai thực hiện.

Ảnh: Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Năm 2023, TW Hội được bổ sung 957,599 triệu đồng, nâng tổng số vốn quản lý là 52,609 tỉ đồng, trong đó, vốn thu hồi và cho vay lại trong năm là 15,775 tỉ đồng, triển khai tại 54 tỉnh, thành hội, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.146 lao động. Một số đơn vị đã tranh thủ nguồn vốn từ địa phương và nguồn khác với tổng số tiền 18,76 tỉ đồng. Đến nay, chỉ còn 20 tỉ đồng nợ quá hạn tại tỉnh Cà Mau, chiếm 0,038%. Các đơn vị đã chủ động đề xuất nguồn ngân sách địa phương và xã hội hoá với tổng kinh phí gần 5,3 tỉ đồng mở 92 lớp các nghề xoa bóp, tin học, chăn nuôi, thủ công … cho 1195 học viên. Điển hình là: HNM Hà Nội mở 21 lớp, HNM Nam Định mở 9 lớp, HNM thành phố Hồ Chí Minh mở 9 lớp, HNM Bắc Ninh mở 7 lớp, HNM Thừa Thiên Huế mở 4 lớp, HNM Hậu Giang mở 4 lớp…

Toàn Hội đang quản lý 384 cơ sở sản xuất tập trung và 135 tổ nhóm sản xuất thủ công dưới 10 người, thu hút 4169 lao động; ngoài ra có 813 tổ nhóm xoa bóp do Hội viên tự đứng ra quản lý, thu hút 3273 lao động. Mức thu nhập bình quân của nghề thủ công là 2 triệu đồng/tháng, riêng nghề xoa bóp bấm huyệt đạt 3,3 triệu đồng/tháng, người có tay nghề cao thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu năm qua của toàn Hội đạt 174 tỷ đồng. Các đơn vị có doanh thu cao như: HNM Đà Nẵng 19,565 tỷ đồng, HNM Thanh Hóa 18,856 tỷ đồng, HNM Hà Tĩnh 13,784 tỷ đồng, HNM Hà Nội 12,107 tỷ đồng, HNM Nam Định 11,77 tỷ đồng, Toàn Hội cũng đã vận động kinh phí hỗ trợ làm mới 98 căn nhà, sửa chữa 98 căn nhà, trợ cấp hơn 170 tỉ đồng cùng nhiều phần quà có giá trị cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình là: HNM Tiền Giang 31,079 tỷ đồng, HNM thành phố Hồ Chí Minh 19,537 tỷ đồng, HNM Đồng Nai 18,561 tỷ đồng, HNM Bà Rịa - Vũng Tàu 15,212 tỷ đồng, HNM Bến Tre 14,434 tỷ đồng…

Với những nỗ lực đồng bộ của các cấp Hội, tỷ lệ hộ người mù nghèo giảm xuống còn 11,7%.

Trong công tác Tuyên truyền, Hội tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của Tạp chí Đời mới, Cổng thông tin điện tử; kênh Youtube, trang Facebook, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam cùng 422 bản tin nội bộ, các Website, trang Facebook, kênh Youtube, nhóm email của các đơn vị và hơn 3000tin, bài, phóng sự được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. toàn Hội tổ chức 660 buổi sinh hoạt câu lạc bộ cho hội viên với nhiều nội dung phong phú.

Các cấp Hội mở được 65 lớp xóa mù chữ cho 606 Học viên, 80 lớp dành cho 432 trẻ em, 29 lớp tin học 249 Học viên. Một số đơn vị mở được các lớp Tiếng Anh, báo cáo viên, âm nhạc, trang điểm, khiêu vũ, cờ vua....

Các hoạt động giúp đỡ học sinh, sinh viên được chú trọng; trong năm, có 1285 học sinh tham gia học phổ thông, 22 em trúng tuyển vào đại học, nâng tổng số sinh viên lên 103 em. Trung ương Hội đã hỗ trợ Mạng lưới sinh viên khiếm thị toàn quốc tổ chức thành công chuỗi sự kiện "Go With You - Đồng hành cùng học sinh, sinh viên khiếm thị" với các hoạt động: tổ chức cuộc thi diễn thuyết và talkshow mời các diễn giả chia sẻ các nội dung hữu ích cho các em.

Cũng trong năm qua, Hội tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Đến nay, đã trao tặng hơn 28650 cây gậy trắng và tập huấn cách sử dụng gậy an toàn cho Hội viên các Tỉnh, Thành hội. Nhiều dự án hợp tác quốc tế với sự tài trợ của Trung tâm Siloam, Hội K-Yodel (Hàn Quốc), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc… được thực hiện hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người mù và nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Hội.

Cùng với các hoạt động chăm sóc phụ nữ, trẻ em được đẩy mạnh, các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng Chương trình Chung tay hỗ trợ “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở do Trung ương Hội triển khai. Ngoài nguồn vận động xã hội hoá, chương trình đã nhận được 237,144 triệu đồng do chính cán bộ, hội viên đóng góp. Trong đó: HNM thành phố Hồ Chí Minh: 20,2 triệu đồng; HNM Tiền Giang: 20 triệu đồng; HNM Hà Tĩnh: 16,03 triệu đồng; HNM Bình Dương: 12,4 triệu đồng; HNM Hà Nội: 11 triệu đồng; HNM Thái Bình: 10 triệu đồng; HNM Thanh Hoá: 10 triệu đồng; HNM Bình Phước: 10 triệu đồng; HNM Đồng Nai: 8,2 triệu đồng; TW Hội và Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù: 19,844 triệu đồng. Trong năm, TW Hội đã hỗ trợ: Tại Hà Tĩnh: 1 hội viên 50 triệu đồng để làm nhà mới, 1 hội viên 20,5 triệu đồng để sửa nhà, tại Sóc Trăng 1 hội viên 50 triệu đồng để làm nhà mới; ủng hộ 50 triệu đồng để làm nhà cho 01 phụ nữ mù tại tỉnh Điện Biên theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù đã hoàn thành 03 khoá học 90,91,92 với 277 học viên, cùng nhiều lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ đào tạo tại Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lạng Sơn….

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Hội còn một số hạn chế như: Một số Tỉnh, Thành hội gặp khó khăn trong việc tổ chức đại hội do thiếu cán bộ kế cận; các đơn vị hợp nhất với các hội khác gặp khó khăn trong việc triển khai cho vay vốn; số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn ít; số lượng sách giáo khoa chữ Braille vẫn còn rất thiếu thốn. Các hoạt động chăm lo cho hội viên nữ và trẻ em mù ở một số địa phương còn hạn chế, hiện còn 1114 hội viên nữ khó khăn về nhà ở...

Bước sang năm 2024, Hội sẽ sửa đổi một số văn bản cho phù hợp, phổ biến quyết định 118-QĐ/TW ngày 22 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương và các quy định tại các địa phương cùng các văn bản của Hội; đồng thời, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; xây dựng vị trí việc làm tại các đơn vị, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng trong các cấp Hội.

Nhân kỉ niệm 215 năm ngày sinh Louis Braille , TW Hội tổ chức buổi tọa đàm: “Chữ Braille trong thời đại công nghệ số; phối hợp với Hội đồng quốc gia người mù Malaysia tổ chức Diễn đàn trực tuyến trong Cộng đồng người mù ASEAN với chủ đề: “Chữ Braille và công nghệ thông tin nâng cao cơ hội việc làm cho người mù”. Tổ chức hội thảo và hội thi tay nghề xoa bóp, tẩm quất lần thứ IV, hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ khiếm thị vào đời sống xã hội”. Các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy các mặt hoạt động, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, thi đua  hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội, phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam, tổ chức lễ kỉ niệm và trao giải cuộc thi bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. TW Hội tổ chức Hội thi thể thao toàn quốc; bên cạnh đó, các đơn vị phía Bắc tích cực tham gia Ngày hội Thể thao, âm nhạc do Tỉnh hội Thái Bình đăng cai tổ chức.

Đẩy mạnh các cuộc vận động, chương trình hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ, sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, chăm lo tốt đời sống hội viên. Đề xuất và tăng cường phối hợp với cac Ban, Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy cac mặt hoạt động. Triển khai các dự án, tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện của 8 Tỉnh hội và Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm hoạt động của đơn vị, đồng thời, đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế và đẩy mạnh các mặt hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: công tác cán bộ, kết nạp hội viên, vay vốn, tạo việc làm, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đào tạo nghề, phong trào thể dục thể thao, phát hành các ấn phẩm chữ Braille… Các ý kiến đó đã được các đồng chí Thường trực TW Hội và các đại biểu tiếp thu, phản hồi, thảo luận sôi nổi.

Nhân dịp này, TW Hội đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc toàn diện cho 6 Tỉnh, Thành hội: Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Dương, Bình Phước; tặng Bằng khen cho 23 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và biểu dương 14 đơn vị đạt tập thể lao động tiên tiến.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội trao cờ thi đua xuất sắc toàn diện cho 6 đơn vị.

Sáng ngày 02/3, các đại biểu đã về thăm quê Bác và viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người. Với lòng thành kính và tri ân sâu sắc, các đại biểu đều thầm hứa sẽ luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cùng lời dạy “Tàn nhưng không phế”, không ngừng phấn đấu vươn lên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Hội năm 2024 và những năm tiếp theo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hòa nhịp với sự phát triển chung của cộng đồng.

Hình ảnh trao bằng khen của Trung ương Hội cho các đơn vị tại hội nghị

Minh Hà