Ảnh bìa

Tọa đàm chữ Braille trong thời đại công nghệ số

Chiều 04/1/2024, Trung ương Hội tổ chức tọa đàm Chữ Braille trong thời đại công nghệ số. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Chữ nổi thế giới (04/1), 215 năm ngày sinh Louis Braille (04/1/1809 – 04/1/2024) đồng thời hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam.

Tham dự trực tiếp tại điểm cầu chính văn phòng Trung ương Hội có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ văn phòng Trung ương Hội và đông đảo cán bộ, giáo viên, hội viên tại gần 150 điểm cầu trực tuyến từ Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù, các Tỉnh, Thành hội trong cả nước trên nền tảng zoom.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc buổi toạ đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm và ôn lại tiểu sử của Louis Braille cũng như lịch sử ngày chữ nổi thế giới, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khẳng định vào ngày kỷ niệm đặc biệt này, trong niềm tri ân sâu sắc chúng ta cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của người đã phát minh ra hệ thống chữ nổi diệu kỳ, mang lại cơ hội tiếp cận tri thức cho người mù trên toàn thế giới. Louis Braille sinh tại ngôi làng nhỏ Coupvray, cách thủ đô Paris khoảng 20 cây số về phía Đông. Cậu là con út trong gia đình có 4 người con. Cha cậu là thợ đóng yên và làm dây cương cho ngựa. Khi Louis lên 3 tuổi, cậu đã dùng cây dùi để cố dùi 1 cái lỗ trên tấm da như cha vẫn thường làm, nhưng cây dùi đã chọc vào mắt trái, vết thương nhiễm trùng và lan cả sang mắt phải khiến cậu bé bị mù hoàn toàn cả hai mắt. Lên 10 tuổi Louis nhận học bổng học tại học viện hoàng gia dành cho thanh niên mù. Tại đây, cậu và các học sinh khác được học đọc bằng chữ thường dập nổi, ký tự rất to, sách rất nặng khiến việc đọc rất khó khăn và việc viết chữ càng không thể.

Khoảng năm 1819, Louis Braille gặp đại uý về hưu Barbier, người đã phát triển hệ thống chữ viết cho phép binh sĩ trao đổi mệnh lệnh chỉ huy trong đêm tối, hệ thống này dựa trên 12 chấm, vì vậy khá phức tạp. Braille hào hứng mong muốn cải tiến thay các ký hiệu biểu thị âm thanh bằng chữ cái, nhưng Barbier không đồng ý. Ngay sau đó, Braille đã làm việc chăm chỉ và đến năm 1824 Braille báo cáo với thầy hiệu trưởng của trường về phát minh hệ thống chữ nổi gồm 6 chấm xếp thành 3 hàng và hai cột được đánh số thứ tự từ 1 đến 6 của mình. Sau đó, Louis Braille đã mở rộng hệ thống chữ viết của mình cho các ký hiệu trong toán học và âm nhạc, dấu câu.

Vào khoảng năm 1835, Braille mắc bệnh lao phổi nên giảm dần thời gian lên lớp; từ năm 1840, ông  chỉ còn dạy lớp nhạc rồi nghỉ dạy để tập trung cho việc sáng tạo chiếc máy chữ nổi đầu tiên trên thế giới. Sức khỏe yếu dần và Louis Braille qua đời ngày 6/1/1852 khi vừa tròn 43 tuổi. Ông được chôn cất tại Coupvray theo nguyện vọng của gia đình. 2 năm sau, chính phủ Pháp đã phê duyệt hệ thống chữ nổi và đặt tên là chữ Braille. Đến năm 1878 đại hội người mù thế giới bỏ phiếu công nhận hệ thống chữ Braille trở thành hệ thống được sử dụng cho việc đọc, viết cho người mù thế giới. Năm 2018 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công nhận ngày sinh của Louis Braille - ngày 4/1 hàng năm là ngày chữ Braille thế giới.

Đến năm 1952, đúng một thế kỷ sau khi mất, thi hài ông được đưa đến an nghỉ ở điện Panthéon tại Paris (nơi tính đến nay chỉ có 65 danh nhân của nước Pháp được vinh dự này). Đó là sự ghi nhận cho những đóng góp của ông đã góp phần làm tôn vinh nước Pháp.

Ảnh: Tiết mục văn nghệ tại buổi toạ đàm.

Ở Việt Nam, sự phát triển của hệ thống chữ Braille tiếng Việt gắn liền với sự phát triển giáo dục dành cho người mù trong nước. Ông Nguyễn Văn Trí – một trí thức khiếm thị sau khi từ Pháp trở về năm 1898 trên cơ sở hệ thống chữ Braille tiếng Pháp ông đã lựa chọn thêm 1 số kí hiệu cho chữ cái và thanh điệu tiếng Việt. Hệ thống này được dạy cho người mù ở ngôi trường do ông tự mở và do Pháp thành lập. Đến năm 1943 ông Nguyễn Chí Thiện ra Hà Nội và mở trường dạy chữ nổi cho người mù miền Bắc. Sau một thời gian, ông cải tiến hệ thống này, xây dựng hệ thống ký hiệu chữ tắt. năm 1951 ông Nguyễn Công Tiễu  một nhà khoa học và sau này là chủ tịch đầu tiên của Hội Người mù Việt Nam đã xuất bản cuốn Chữ Braille dành cho người mù Việt Nam để người mù có thể tự học.

Khi trường thương binh hỏng mắt được thành lập năm 1955, các đồng chí thương binh đã được học chữ Braille trong trường, đồng thời truyền ngọn lửa ý chí  tàn nhưng không phế đến những người mù và nỗ lực tiến tới thành lập Hội Người mù Việt Nam vào năm 1969. Từ khi thành lập đến nay, Hội luôn nỗ lực đào tạo giáo viên, huy động viện trợ, trực tiếp sản xuất học cụ, in sách báo tài liệu, mở các lớp xoá mù chữ, xây dựng hệ thống ký hiệu chữ Braille viết tắt, đề xuất và phối hợp với ngành giáo dục quan tâm tạo điều kiện cho người mù tham gia học tập, nâng cao trình độ.

Đến nay, toàn Hội có hơn 20 nghìn người mù đọc thông viết thạo chữ nổi, hơn 19 nghìn người mù thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, hơn 1200 học sinh tham gia các bậc học phổ thông mỗi năm, gần 800 người mù có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có hàng chục người là thạc sĩ.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người mù có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức, học tập, công tác thông qua máy tính, điện thoại thông minh... Tuy nhiên chữ Braille vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của người mù.

Đồng chí Đinh Việt Anh, cũng khẳng định: Mặc dù các thiết bị công nghệ mang lại rất nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho người khiếm thị nhưng không thể thay thế hoàn toàn chữ Braille. Với các đặc điểm: đơn giản, thuận tiện; trong nhiều trường hợp, giúp người mù tìm hiểu bản chất vấn đề, ghi nhớ sâu và lâu, chữ Braille vẫn vô cùng cần thiết trong học tập, công tác và cuộc sống của người mù. Vì vậy, đồng chí đề nghị: Mặc dù các thiết bị công nghệ mang lại rất nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho người khiếm thị nhưng không thể thay thế hoàn toàn chữ Braille. Với các đặc điểm: đơn giản, thuận tiện; trong nhiều trường hợp, giúp người mù tìm hiểu bản chất vấn đề, ghi nhớ sâu và lâu, chữ Braille vẫn vô cùng cần thiết trong học tập, công tác và cuộc sống của người mù. Vì vậy, đồng chí đề nghị:  Các cấp Hội cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, thúc đẩy người mù học tập, rèn luyện, sử dụng chữ Braille, đề xuất các cơ quan chức năng và huy động nguồn lực để cung cấp nhiều sách, báo, tài liệu cho cán bộ, hội viên và học sinh khiếm thị, đặc biệt đối với sách xóa mù chữ, sách giáo khoa tiểu học, khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, kết hợp với các mô hình, bản đồ, sơ đồ nổi; tiếp tục số hóa quá trình chuyển đổi, in ấn, tăng cường việc sử dụng các thiết bị, phần mềm chữ Braille điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu sách, tài liệu chữ Braille bằng file mềm để giảm bớt thời gian, công sức và kinh phí, đồng thời chia sẻ cho nhiều người cùng sử dụng... Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy thực hiện Hiệp ước Marrakesh, Hội sẽ tích cực kết nối với các thư viện, các tổ chức trong và ngoài nước để tăng số lượng sách, báo, tài liệu dễ tiếp cận, trong đó có các sách, báo, tài liệu chữ Braille cho người mù Việt Nam. Cùng với các hoạt động nêu trên, chúng ta cũng cần vận động, thúc đẩy để chữ Braille và các kí hiệu nổi sẽ trở thành quy chuẩn bắt buộc nhằm giúp người mù tiếp cận tốt hơn trong môi trường vật lí như: số và kí hiệu trên cầu thang bộ và thang máy, dấu hiệu và chỉ dẫn tại các tòa nhà, các điểm công cộng, các thiết bị điện tử, các vật thể dễ gây nhầm lẫn như: dầu gội, dầu xả tóc, các loại đồ uống, thuốc…Trong niềm biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ người thầy vĩ đại Louis Braille, chúng ta sẽ cùng chung tay hành động để chữ Braille sẽ mãi trường tồn và đồng hành với công nghệ số hỗ trợ người khiếm thị trên con đường chiếm lĩnh tri thức, vươn lên vui sống tự lập, hòa nhịp và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Ảnh: Đồng chí Phạm Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu từ điểm cầu trực tuyến, đồng chí Phạm Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong những năm qua, Tỉnh hội đã tổ chức 60 lớp xoá mù cho hội viên, cũng từ đó, hàng trăm trẻ em mù đã được đi học hoà nhập và tiếp tục học lên các bậc học cao hơn trong đó có 65 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Chữ Braille cũng hỗ trợ cho cán bộ làm công tác hội, chắp cánh cho những áng văn, vần thơ của các hội viên.

Chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp của Tỉnh hội nhằm khuyến khích cán bộ, hội viên học tập, sử dụng chữ Braille trong học tập, công tác và đời sống đồng chí Phạm Thị Thuỳ cho biết: Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền tầm quan trọng và ý nghĩa của chữ Braille, Tỉnh hội Hà Tĩnh đẩy mạnh việc sử dụng chữ Braille trong cán bộ hội, coi đây là tiêu chí chấm điểm thi đua với các cấp Hội hàng năm. Hội cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi đọc viết nhanh chữ Braille, in ấn, phổ biến các tài liệu chữ Braille phục vụ hoạt động Hội, sách báo tham khảo cho hội viên đồng thời luân chuyển tích cực các số báo và sách của Trung ương Hội”

Cũng chia sẻ từ điểm cầu trực tuyến, đồng chí Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Tỉnh hội Thái Bình cho biết để nâng cao dân trí cho cán bộ, hội viên, đến nay Tỉnh hội Thái Bình đã mở hơn 100 lớp dạy chữ cho hơn 1500 lượt người mù. Từ năm 1993, trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề của Tỉnh hội đã nuôi dạy nhiều trẻ em mù và hỗ trợ các em hoà nhập tại các trường trong địa bàn thành phố.

Ảnh: Các đại biểu tham dự toạ đàm tại điểm cầu chính.

Từ các điểm cầu trực tuyến cũng như tại điểm cầu chính, nhiều cán bộ, hội viên đã chia sẻ về hành trình đến với Hội và những kỷ niệm khi lần đầu tiếp xúc, học tập và dùng chữ nổi trong học tập, làm việc. Ngoài việc ghi nhận về sự ảnh hưởng của công nghệ số với việc sử dụng chữ nổi trong đời sống hiện nay, các đại biểu đã một lần nữa khẳng định vai trò là ánh sáng, là nền tảng, là cánh cửa giúp người mù chinh phục tri thức, trong đó có công nghệ thông tin của chữ Braille.

Hường Trần