Ảnh bìa

Khai mạc chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”

Sáng 09/12/2022, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12, hướng tới thập kỷ Người Khuyết tật khu vực Chấu Á – Thái Bình Dương 2023-2032, đồng thời thúc đẩy thực hiện Công ước Quốc tế về quyền của Người Khuyết tật của Liên Hợp quốc, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của Người Khuyết tật.

 

Dự lễ khai mạc có bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, bà Aiko Akiyama - Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á- Thái Bình Dương Liên Hợp quốc, ông Monthian Buntan - Ủy viên danh dự Hiệp hội Người mù thế giới, thành viên sáng lập Diễn đàn cộng đồng người mù ASEAN, Thượng nghị sĩ Quốc hội Thái Lan  và đại diện lãnh đạo hội người mù các nước Brunei, Lào, Myanmar, Malaysia, Philipine và Thái Lan.

 Ảnh: Bà Đinh Việt Anh phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện.

Bà Đinh Việt Anh –Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Với sáng kiến của Hội Người mù Thái Lan, từ năm 2013, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN đã được tổ chức hàng năm, tạo điều kiện để các tổ chức của và vì người mù tại các nước trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề quan tâm và đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần giúp người mù trong khu vực khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Trong 3 năm qua, khi phải đối diện với đại dịch COVID - 19, các diễn đàn, cuộc họp, câu lạc bộ được chuyển sang hình thức trực tuyến, giúp người mù trong khu vực tiếp tục cùng nhau chia sẻ, nắm tay nhau vượt qua những khó khăn của dịch bệnh”.

Ảnh: Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại lễ khai mạc chuỗi sự kiện.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: “Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam  sẽ ghi nhận, kiến nghị và cùng Chính phủ, nhà nước Việt Nam nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khuyến nghị của cộng đồng người mù ASEAN tại chuỗi sự kiện này, quan tâm thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của NKT, các vấn đề trọng tâm được nêu lên trong Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT cần thúc đẩy trong thập kỷ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2023-2032 cũng như chú trọng chủ đề của ngày Quốc tế NKT năm nay là “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển bao trùm: vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới tiếp cận và bình đẳng”

Tại sự kiện, các đại biểu đã nghe nói chuyện chuyên đề tổng kết thập kỉ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2013 – 2022, Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của NKT do bà Aiko Akiyama đến từ Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Liên Hợp Quốc, bà Ajeng Punama Pratiwi, cán bộ xóa nghèo và giới, Ban Thư ký ASEAN trình bày. Sau lễ khai mạc và nói chuyện chuyên đề là hai hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quá trình gia nhập, thực thi Hiệp ước Marrakesh và hội thảo thúc đẩy giáo dục đại học gắn với tạo việc làm, thảo luận tuyên bố chung và đưa ra các khuyến nghị dành cho Chính phủ các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện thúc đẩy bảo đảm quyền cho NKT nói chung, người khiếm thị nói riêng.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quá trình gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh, các đại biểu đã vui mừng nhận thông tin, sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lí nhà nước, đặc biệt là Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, cùng Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, các tổ chức của và vì NKT, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ngày 06/12 vừa qua, đại diện Nhà nước Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.

Đại diện các tổ chức, đơn vị như Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Việt Nam, thượng nghị sĩ Monthian Buntan – Phó Chủ tịch Hội Người mù Thái Lan, ông Wong Yoon Loong, Giám đốc điều hành Hội Người mù Malaysia đã trình bày tham luận về những kinh nghiệm của Thái Lan, Malaysia về việc triển khai Hiệp ước Marakesh, quá trình tham gia Hiệp ước của Việt Nam và tham luận của bà Đào Thu Hương, đại diện UNDP về việc tiếp cận các tác phẩm, tài liệu của người mù tại Mỹ, giới thiệu Hiệp hội sách tiếp cận ABC.

Ảnh: Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục tham dự hội thảo “Thúc đẩy giáo dục đại học gắn với tạo việc làm cho người khiếm thị”. Đại diện Hội Người mù Việt Nam bà Đinh Việt Anh đã có bài tham luận trình bày tại hội thảo với nội dung “Thúc đẩy giáo dục đại học gắn với việc làm cho người khiếm thị ở Việt Nam” với những thông tin về thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong quá trình tham gia học đại học của người khiếm thị, vấn đề việc làm sau đào tạo  và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động này. Ngoài ra, các đại biểu đến từ Hội Người mù Malaysia, chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Thái Lan, Hội Người mù Philippines, Hội Người mù Lào về những nội dung như: Giáo dục và việc làm cho NKT ở Thái Lan; Thách thức và định hướng trong giáo dục đại học cho người mù ở Malaysia; Trao quyền cho người khiếm thị ở Philippines…

Ảnh: Các đại biểu tham dự lễ khai mạc và các hội thảo trong khuôn khổ chuỗi sự kiện.

Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất nội dung của bản tuyên bố chung cùng một số khuyến nghị với Cộng đồng ASEAN và chính phủ các nước trong khu vực như sau:

          Chúng tôi, những người khiếm thị đại diện HNM 7 nước bao gồm: Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” tại Hà Nội từ ngày 9 – 10/12/2022: Nhìn nhận, đánh giá những cơ hội, thách thức của người khiếm thị trong khu vực về tiếp cận thông tin, giáo dục, việc làm…và cam kết sẽ cùng nhau đẩy mạnh các mặt hoạt động, nỗ lực phấn đấu cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người mù hòa nhập cộng đồng.

Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Cộng đồng  ASEAN và chính phủ các nước trong khu vực dành cho người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung trong thời gian qua, đồng thời, xin có một số khuyến nghị sau:

1.Các Chính phủ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chú trọng những điểm trọng tâm đã được nêu trong tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT cần thúc đẩy trong thập kỉ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình dương 2023 – 2032, Kế hoạch tổng thể của ASEAN về lồng ghép quyền của NKT, chủ đề ngày Quốc tế NKT năm 2022 là: “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển bao trùm: vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới tiếp cận và bình đẳng” . Đặc biệt, tất cả các quốc gia đều gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị NKT chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố.

2. Rà soát các quy định trong luật pháp quốc gia và tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Công ước của LHQ về quyền của NKT cùng các văn bản pháp lí quốc tế.

3.Thu thập dữ liệu về NKT, có phân tách về dạng tật, giới tính, độ tuổi… Từ đó, có cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ NKT cụ thể và hiệu quả.

4. Lưu tâm các cấu trúc khác nhau như giới tính, tuổi tác và chủng tộc giao thoa với tình trạng khuyết tật tạo thêm rào cản cho các đối tượng khác nhau. Áp dụng cách tiếp cận giao thoa trong lập kế hoạch, chính sách và hành động phát triển.

5. Phân bổ đủ nguồn tài chính để người khuyết tật được hòa nhập đầy đủ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, thể thao và giải trí cũng như quá trình ra quyết định.

6. Quan tâm đến các nhu cầu đặc biệt của người khuyết tật, lưu ý đặc điểm tiếp cận của người khiếm thị nhằm tăng khả năng tiếp cận môi trường vật chất, giao thông công cộng, thông tin và truyền thông (trong đó,  chú trọng  việc số hóa thông tin) và  dịch vụ thiết yếu liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về rủi ro thiên tai, sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ công khác.

7. Chú trọng các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&Đ) nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, trang thiết bị công nghệ, phần mềm… phục vụ cuộc sống, học tập, làm việc của người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung.

8.Tăng cường trao đổi kinh nghiệm,chia sẻ thông tin, dữ liệu, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ cho NKT.

9. Tham vấn và đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật, thông qua các tổ chức đại diện của họ (OPD), trong việc lập kế hoạch, xây dựng chính sách và thực thi chính sách trong các lĩnh vực của cuộc sống.

10. Cộng đồng ASEAN thành lập Ủy ban về quyền của NKT và phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết bảo đảm quyền cho NKT.

 

Thuỳ Dương