Ảnh bìa

Đại hội lần thứ nhất Mạng lưới Phụ nữ khuyết tật khu vực Châu Á – TháiBình Dương

Đại hội lần thứ nhất Mạng lưới Phụ nữ khuyết tật khu vực Châu Á – TháiBình Dương được long trọng tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 8 – 10/12/2023.

Tham dự Đại hội có đại diện Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ủy ban Quyền của người khuyết tật của Liên hiệp quốc, Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN, Bộ Phúc lợi xã hội và An ninh con người Thái Lan cùng khoảng 120 đại biểu đại diện cac tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức của và vì người khuyết tật từ 18 quốc gia.

Ảnh: Toàn cảnh đại hội.

          Bà Saowalak Thongkuay - Thành viên của Ủy ban Quyền của Người khuyết tật của Liên hiệp quốc, đồng thời là thành viên sáng lập mạng lưới chia sẻ: “Thông qua Đại hội sẽ thiết lập một mạng lưới độc lập và mạnh mẽ của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, là nền tảng thân thiện để phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cùng nhau vận động cho quyền, sự đại diện và tính hòa nhập của họ trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Đại hội cũng góp phần nâng cao nhận thức về những thách thức mà phụ nữ khuyết tật phải đối mặt, thúc đẩy sự hiểu biết về mối liên hệ giữa quyền con người, giới và khuyết tật.”

Ảnh: Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia đại hội.

          Ông Srinivas Tata, Giám đốc Ban Phát triển Xã hội, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc cho biết: “Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc sẵn sàng đồng hành, hợp tác cùng Mạng lưới nhằm thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập của phụ nữ khuyết tật, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt, khi chúng ta vừa mở ra thập kỉ người khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2023 – 2032).”

Ảnh: Các diễn giả trình bày tham luận tại Đại hội.

        Với chủ đề: “Tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật: to và tự hào”, Đại hội đã có rất nhiều phiên thảo luận với nhiều tiểu chủ đề khác nhau như: Truyền thông vì chất lượng cuộc sống; Tham vấn chặt chẽ và sự tham gia tích cực của phụ nữ khuyết tật và các tổ chức đại diện của họ nhằm thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị trong các chương trình hợp tác quốc tế; Năng lực pháp lý là công cụ hữu hiệu để đảm bảo “sống độc lập trong cộng đồng”; Các biện pháp cụ thể nhằm ngăn cấm mọi hình thức phân biệt đối xử và coi tính xen kẽ, giới và khuyết tật là một vấn đề xuyên suốt; Tiếp cận công lý và những thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật phải đối mặt; Tiếp cận quyền sinh sản và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ thiểu số và bản địa…

Ảnh: Các đại biểu Hội Người mù Việt Nam tham gia hoạt động trải nghiệm nhuộm khăn.

          Trong khuôn khổ của Đại hội, các đại biểu đã có Chuyến thăm thực địa tới ngôi làng môi trường xanh bền vững Bangka – Cho, khu vui chơi giải trí Bang Pu để quan sát, cảm nhận về việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thúc đẩy giải trí xanh hòa nhập cho tất cả những người khuyết tật; đồng thời có buổi thảo luận về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

          Đặc biệt, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận để đi đến thống nhất về sứ mệnh, tầm nhìn, chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới cũng như chiến lược hành động của mạng lưới trong thời gian tới.

Ảnh: Các đại biểu tham dự đại hội đi thực tế.

          Đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra nền tảng cho sự ra đời, phát triển mạng lưới vì sự bình đẳng, hòa nhập của phụ nữ khuyết tật trong khu vực. Tham dự Đại hội, các đại biểu đã được tiếp cận với nguồn thông tin, công cụ và chiến lược phong phú, từ đó, tạo nên một tiếng nói thống nhất để đẩy mạnh nỗ lực vận động chính sách, đồng thời, cải thiện thái độ xã hội đối với người khuyết tật nói chung, phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng.

Các đại biểu cũng được trang bị các kỹ năng thực tiễn để phát triển hoạt động, xây dựng sự kết nối có ý nghĩa, tăng cường vai trò và sự tham gia đầy đủ, trọn vẹn của phụ nữ khuyết tật và thúc đẩy chiến lược xây dựng xã hội hòa nhập tốt hơn.

          Tham dự Đại hội lần này có 10 đại biểu nữ đến từ Việt Nam, trong đó, có 6 phụ nữ khuyết tật đại diện Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Sống độc lập và Văn phòng Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam. Trong đó, thông qua dự án: “Thúc đẩy mạng lưới phụ nữ khuyết tật” do Chi hội trực thuộc Hội Người mù Việt Nam đề xuất, Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam đã hỗ trợ 5 đại biểu của Hội Người mù Việt Nam và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tham dự Đại hội, đồng thời hỗ trợ Ban tổ chức Đại hội kinh phí chạy các dòng chữ thuyết minh trực tiếp trên nền tảng offline và online nhằm tạo điều kiện cho những đại biểu sáng mắt, đặc biệt là người khiếm thính có điều kiện nắm bắt và tham gia các nội dung Đại hội thuận tiện hơn. Từ đó, các đại biểu sáng mắt và tình nguyện viên cũng có thể mô tả, hỗ trợ người khiếm thị trong một số hoạt động chung của đại hội.

          Các đại biểu Việt Nam đã đóng góp hết sức tích cực, hiệu quả trong cac phiên thảo luận, các hoạt động và công tác truyền thông, góp phần vào thành công và sức lan tỏa của Đại hội. Tin tưởng chắc chắn rằng: Sau Đại hội, các đại biểu sẽ tiếp tục là những hạt nhân nòng cốt cùng với các tổ chức của và vì người khuyết tật Việt Nam đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển Mạng lưới nhằm bảo đảm quyền và sự bình đẳng, hòa nhập cho phụ nữ khuyết tật Việt Nam cũng như trong khu vực và thế giới.

Hà Anh