Công tác Tuyên truyền văn hóa giáo dục - một năm nhìn lại
Năm 2015 - năm bản lề trong nhiệm kì VIII của Hội Người mù Việt Nam đã đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng và những thành tích nổi bật trên các mặt hoạt động của Hội. Trong niềm vui chung ấy, công tác Tuyên truyền, Văn hóa, Giáo dục cũng đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi, là động lực để chúng ta thêm nỗ lực vươn lên trong thời gian tới.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, năm 2015, Trung ương Hội đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền nhân các sự kiện lớn của đất nước và của Hội như: chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 73 của TW Đảng khóa X về việc tiếp tục giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam hoạt động, Đại hội thi đua yêu nước trong toàn Hội lần thứ II, Hội nghị Tăng cường hợp tác giữa Hội Người mù Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ quốc tế…
Cùng với các số tạp chí chữ Braille, tạp chí phát thanh xuất bản theo định kì, Cổng thông tin điện tử cập nhật thường xuyên, 2 số tạp chí đặc biệt in chữ bình thường, 3 phóng sự video của Hội cùng hàng ngàn tin, bài trên các Phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa Phương đã góp phần tuyên truyền về chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng quan tâm giúp đỡ tổ chức Hội và người mù, các phong trào hoạt động Hội, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong tổ chức Hội và cộng đồng, nhân lên tình nhân ái, tình đồng tật để cán bộ, hội viên thêm đoàn kết, nỗ lực vươn lên hòa nhập xã hội.
Nhân kỉ niệm 45 năm hình thành và phát triển Tạp chí Đời Mới, Trung ương Hội đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm, đồng thời, phối hợp với Tổng Công ti Viễn thông quân đội Viettel giới thiệu bộ sản phẩm SpeakSim dành cho người khiếm thị và trao tặng 72 máy điện thoại thông minh cho các đại biểu tham dự và đại diện người mù ở các Tỉnh, Thành hội trong cả nước. Đặc biệt, hướng tới dịp kỉ niệm 60 năm Bác Hồ đến thăm Trường thương binh hỏng mắt và đưa ra lời dạy “Tàn nhưng không phế”, Trung ương Hội đã phát động cuộc thi viết trên Tạp CHÍ Đời Mới và Cổng thông tin điện tử của Hội với chủ đề: Người mù thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” được nhiều Tỉnh, Thành hội tích cực hưởng ứng.
Cuộc thi đã thật sự tạo một đợt sinh hoạt văn hóa tinh thần ý nghĩa, tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, hội viên thấm nhuần sâu sắc hơn lời dạy của Bác kết hợp với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát hiện, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, động viên toàn thể cán bộ, hội viên nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trong năm qua, các cấp Hội đã mở được 75 lớp xóa mù chữ và phục hồi chức năng cho hơn 800 người mù, phối hợp tốt với ngành giáo dục để giúp đỡ cho hàng nghìn học sinh học hòa nhập, 27 hội viên trẻ thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, Nâng tổng số người mù đang học đại học, cao đẳng lên gần 150 người. Trung ương Hội cũng đã làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo để giới thiệu một số người mù trẻ có năng lực, có khả năng ngoại ngữ tham gia tuyển chọn để đi học cao học tại Australia.
Đặc biệt, các cấp Hội đã chú trọng phát triển công nghệ thông tin với hơn 300 cán bộ, hội viên được phổ cập Tin học trong năm, từ đó, góp phần nâng cao năng lực làm việc của các cấp Hội, đồng thời, đưa Tin học vào cuộc sống, giúp hội viên hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Được Hội tạo điều kiện phát triển trí tuệ, năng lực, có những người mù đã trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên xuất sắc, đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, đỗ thủ khoa trong các kì thi đầu vào, tốt nghiệp đại học, cao học. điển hình như anh Nguyễn Văn Chung, HNM huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Sinh ra trong một gia đình nghèo có ba chị em thì hai người hỏng mắt nhưng anh đã vượt qua mọi khó khăn, luôn là học sinh, sinh viên xuất sắc, tích cực tham gia công tác phong trào và đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang là sinh viên.
Chị Nghiêm Thị Thu Trang, HNM huyện Ứng Hòa, Hà Nội, với nhiều nỗ lực trong suốt quá trình học tập, chị đã tốt nghiệp đại học chính quy, chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ học đạt chuẩn quốc tế thuộc trường Đại học KHXH &NV, với tấm bằng loại giỏi. Một số hội viên đã tích cực tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi mang tầm quốc tế. Anh Lù Văn Dương thuộc Tỉnh hội Sơn La vốn sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng rồi khi 6 tuổi, một tai nạn bất ngờ xảy ra, đôi mắt của Dương không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. May mắn được đến học trường Nguyễn đình Chiểu Hà Nội, bên cạnh việc học chữ Braille và văn hóa, Dương còn được học các môn năng khiếu để tìm và phát huy thế mạnh của mỗi học sinh. Chính từ đây, Dương bắt đầu được tiếp xúc với âm nhạc và tìm thấy được niềm vui trong thế giới đầy cung bậc cảm xúc này. Lựa chọn chủ đề âm nhạc tác động đến đời sống để tham dự cuộc thi Onkyo lần thứ 13 do Hiệp hội Người mù châu Á Thái Bình Dương phát động, Dương đã đạt giải tác phẩm xuất sắc.
Nguyễn Thị Yến Anh vốn là một người mù bẩm sinh tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, được học tập, rèn luyện tại Trung tâm của Hội và tham gia học hòa nhập, Yến Anh đã trở thành học sinh, sinh viên giỏi, thành thạo ngoại ngữ và trong năm 2015, đã xuất sắc giành giải 3 thi đọc tại cuộc thi đọc, viết chữ Braille tiếng Anh dành cho các nước khu vực ASEAN do Hội Người mù Thái Lan tổ chức…
Nhiều tủ sách, câu lạc bộ cùng phong trào văn nghệ được phát triển rộng khắp tại các cấp Hội đã góp phần thiết thực nâng cao nhận thức và đời sống tinh thần cho hội viên, tạo không khí sôi nổi, khơi dậy trong cán bộ, hội viên niềm lạc quan và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Trong lĩnh vực thể dục thể thao, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhiều người mù phấn đấu vượt qua những rào cản tìm cho mình những môn thể thao phù hợp để luyện tập giữ gìn sức khỏe. Một số hội viên còn tham gia và đạt giải cao tại các Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật, như: Chị Bùi Thị Xím, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Nguyễn Trung Hoa, Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh, Chị Phạm Anh Tú, Hội Người mù tỉnh Hải Dương, đều là vận động viên bơi lội, đã giành hàng chục tấm huy chương các loại trong nước và quốc tế… và còn rất nhiều môn thể thao mà người mù đã tham gia và giành được những thành tích cao như : Bóng đá, bóng lăn, chạy, Cờ vua … Những thành tích đó đã nói lên sự cố gắng của Hội, sự vươn lên chiến thắng tật nguyền của cán bộ, hội viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, văn hóa giáo dục của Hội vẫn còn những điềm hạn chế, là nỗi trăn trở của các cấp Hội như: việc học và sử dụng chữ Braille, đây đó còn có biểu hiện coi nhẹ; công nghệ thông tin chưa đến được với những nơi vùng sâu, vùng xa; việc học tập của trẻ em mù đặc biệt là ở nông thôn còn gặp rất nhiều khó khăn; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở một số nơi còn trầm lắng…
Bước sang năm 2016, các cấp Hội cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thực hiện tốt nội dung, kế hoạch đề ra, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về các sự kiện của đất nước, của địa Phương và của Hội, tích cực thực hiện việc Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức và thực hiện thắng lợi “Năm cải cách hành chính”, tổ chức thành công Liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ V, phát triển giáo dục, công nghệ thông tin, văn hóa, thể dục thể thao trong toàn Hội v.v… Tin tưởng rằng với ự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền các cấp và cả cộng đồng, với bề dày thành tích đã đạt được cùng sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, hội viên, năm 2016, công tác tuyên truyền, văn hóa, giáo dục của Hội sẽ tiếp tục thu được những thành công mới, thiết thực nâng cao dân trí và đời sống văn hóa, tinh thần của người mù cả nước, góp phần tích cực vào thành tích chung của toàn Hội chúng ta.
Phạm Viết Thu