Bước tiến mới của Hội Người mù tỉnh Đồng Nai
Nhận thức rõ vai trò, động lực thúc đẩy của công tác thi đua khen thưởng, trong nhiều năm qua, Hội Người mù tỉnh Đồng Nai luôn gắn chặt công tác thi đua với các mặt hoạt động của Hội. Bám sát nhiệm vụ chính trị, nội dung hoạt động do Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội giao.
Tỉnh hội đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước; Động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ, hội viên, nhân viên tích cực phấn đấu thi đua làm việc, học tập, lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Tổ chức cho các Hội cơ sở ký kết giao ước thi đua, đăng ký các danh hiệu thi đua; triển khai các nội dung thi đua đến tất cả cán bộ, hội viên trong Tỉnh hội để từng cá nhân đăng ký thực hiện phong trào thi đua yêu nước theo trách nhiệm của mình; Biểu dương khen thưởng kịp thời, động viên, khích lệ và nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình.
Qua mỗi lần phát động phong trào thi đua yêu nước đã có thêm khí thế mới, sôi động hơn, những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều trên các lĩnh vực như làm kinh tế, học tập, thể dục thể thao... Đây là bước tiến mới để Hội Người mù Đồng Nai tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đưa tổ chức Hội phát triển ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm lo đời sống mọi mặt cho người mù trong địa phương.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ Hội, Tỉnh hội đã cử nhiều cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ do Trung ương Hội tổ chức. Các Hội cơ sở đã thi đua củng cố mối quan hệ mật thiết với các ban ngành, đoàn thể, tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương. Trong phong trào thi đua hưởng ứng Chương trình hành động Việc làm, xóa đói giảm nghèo do Trung ương Hội phát động, các đơn vị cơ sở đã xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể, động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên trong đơn vị tích cực tham gia. Các Hội cơ sở đã triển khai 32 dự án, cho 347 lượt hội viên vay 2,9 tỉ đồng; giải ngân số tiền 319 triệu đồng cho 52 hội viên vay từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH). Nhờ được quán triệt đến từng hộ gia đình nên những hội viên được vay vốn đều thi đua sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo, trả lãi và gốc đúng thời hạn. Điển hình như ông Trần Văn Thúy (Long Khánh), bà Trần Thị Kim Hoa (Long Thành); ông Nguyễn Châu Sơn (Xuân Lộc); ông Hà Đăng Hòa, ông Võ Tấn Tài (Biên Hòa) có thu nhập từ 3.000.000 đến 3.500.000 đồng/tháng là những tấm gương phấn đấu vươn lên với nghề bán vé số, cải thiện kinh tế, nâng dần chất lượng cuộc sống trong gia đình.
Hội cũng đã phối hợp với trung tâm khuyến nông tổ chức 34 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi giúp cho hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế rủi ro trong nông nghiệp. Điển hình như: Ông Hứa Văn Em, ông Nguyễn Quốc Vũ, bà Phan Thị Hiệp (Nhơn Trạch); ông Nguyễn Văn Vang, ông Đỗ Công Đợ, bà Lê Thị Kim Châu (Thống Nhất); ông Nguyễn Văn Cượt (Tân Phú); ông Ninh A Lềnh, ông Trần Đức Tuân (Vĩnh Cửu). Đặc biệt ông Nguyễn Văn Thân, ông Phan Hồng Phúc (Long Thành) đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng giấy khen nhân dịp tổng kết phong trào gương người tốt việc tốt năm 2012.
Các hội cơ sở đã thi đua mở 16 tổ nhóm dịch vụ Xoa bóp, giải quyết việc làm cho 67 hội viên với mức thu nhập ổn định từ 2.000.000đ đến 2.500.000đ/người/tháng. Điển hình như: Long Thành mở 3 cơ sở, Biên Hòa mở 3 cơ sở.
Nhiều hội viên đã tự mở các cơ sở xoa bóp như: bà Nguyễn Thị Hoài Hương, ông Nguyễn Thanh Phong, ông Lê Cường Nhật (Long Thành); ông Lâm Văn Nửa (Xuân Lộc); bà Trần Thị Thanh Đào (Biên Hòa); ông Nguyễn Văn Tùng, bà Nguyễn Thị Em (Long Khánh); bà Huỳnh Thị Hồng Tuyết (Tân Phú); ông Trần Trường Giang (Vĩnh Cửu), bà Lê Thị Xuân, bà Phạm Thị Ngọc Sáng, bà Hoàng Thị Bạch (Trảng Bom) là những điển hình góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên khác có thu nhập từ 4.000.000 - 4.500.000 đồng/tháng, riêng thu nhập của bản thân có mức từ 7 triệu đồng/tháng trở lên.
Các Hội cơ sở cũng thi đua mở các lớp dạy nghề tạo việc làm cho hội viên: Huyện hội Long Thành dạy nghề đan thảm chùi chân; Huyện hội Trảng Bom dạy nghề bóc goăng cao su; Huyện hội Cẩm Mỹ dạy nghề đan chổi nhựa; Thị hội Long Khánh tổ chức gia công cây mì làm bịch meo nuôi nấm. Các đơn vị: Long Thành, Xuân lộc, Nhơn Trạch vẫn duy trì tổ đóng gói tăm, nhằm giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho hội viên.
Để đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc đời sống hội viên, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tìm nguồn tài trợ, thăm tặng quà hội viên nhân dịp lễ Tết, trợ giúp hội viên giảm bớt khó khăn trong cuộc sống với tổng số tiền 21,3 tỷ đồng. Tiêu biểu như Huyện hội Cẩm Mỹ đạt 2,4 tỷ đồng, Huyện hội Thống Nhất vận động gần 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, với những hội viên có khó khăn về nhà ở, các Hội cơ sở đã vận động nhiều nguồn hỗ trợ kinh phí xây dựng 33 nhà tình thương, sửa chữa 16 căn với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Điển hình như: Huyện hội Cẩm Mỹ xây dựng 7 nhà, sửa chữa chống dột 6 nhà; Huyện hội Long Thành xây dựng 3 nhà.
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các hoạt động trên, đời sống của người mù Đồng Nai dần được cải thiện. Nhiều hội viên đã xây dựng được nhà, nuôi sống bản thân và cho con em đi học đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Tỉnh hội đã giảm mạnh với 24,2% năm 2010 đến tháng 5/2015 chỉ còn 16,4% (theo chuẩn nghèo mới của tỉnh Đồng Nai). Một số đơn vị, tỉ lệ hộ nghèo còn rất thấp như Huyện hội Long Thành còn 3,9%; Vĩnh Cửu còn 4,0% .
Trong đợt thi đua đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng ", tất cả các Hội cơ sở đều tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về Đảng, Bác Hồ và truyền thống của Hội. Huyện hội Trảng Bom và Xuân Lộc phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức tuyên truyền chương trình: "Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới" do UBND tỉnh phát động. Thông qua những buổi nói chuyện ấy, người mù trong tỉnh thêm hiểu biết về những chính sách của Đảng, từng bước được nâng dần trình độ dân trí, cùng nhau thi đua phấn đấu học tập, làm việc, lao động sản xuất.
Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc quán triệt để mỗi hội viên đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, gắn công tác thi đua khen thưởng với các chương trình hoạt động luôn được Hội quan tâm. Các Hội cơ sở đều triển khai mô hình Câu lạc bộ với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng và nội dung phong phú đã thu hút nhiều hội viên tham gia. Riêng Huyện hội Long Thành có hai câu lạc bộ: Vì hạnh phúc người mù và Niềm vui người cao tuổi... đã bổ trợ tích cực cho các mặt hoạt động, công tác khác trong đó có công tác thi đua khen thưởng của Hội.
Trong lĩnh vực văn nghệ, thể thao, các đơn vị đã tạo được không khí thi đua sôi nổi động viên hội viên tích cực hưởng ứng, tham gia tập luyện mang lại niềm vui trong cuộc sống cũng như giành thành tích cao cho đơn vị mình. Năm 2011, tại liên hoan "Tiếng hát từ Trái Tim" lần thứ IV do Trung ương Hội tổ chức, Tỉnh hội đã đoạt 1 huy chương vàng, 01 huy chương bạc.Tham gia Giải thể thao Người Khuyết tật tỉnh Đồng Nai trong 2 năm 2011 và 2013, do Sở LĐTB&XH và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức, các đơn vị thi đua đạt giải cao: Huyện hội Trảng Bom đạt 4 huy chương vàng, 1 huy chương đồng; Huyện hội Long Thành đạt 1 Huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng .
Từ những đóng góp trên, năm 2013tập thể cán bộ hội viên Hội Người mù Tỉnh Đồng Nai vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua hạng III năm 2011; 31 lượt tập thể và 82 cá nhân được nhận bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội, UBND tỉnh và các cấp, các ngành.
Sau 5 năm triển khai, công tác thi đua khen thưởng và thực hiện phong trào thi đua yêu nước đã động viên, khích lệ được nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên các mặt hoạt động của cán bộ hội viên trong tỉnh. Mặc dù còn tồn tại hạn chế do một số đơn vị chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác thi đua khen thưởng, chưa có biện pháp bồi dưỡng để duy trì những điển hình tiên tiến song có thể khẳng định phong trào thi đua đã mang lại khí thế mới, sức sống mới cho hoạt động Hội.
Ảnh: Ni trưởng Huệ Giác tặng quà cho hội viên Tỉnh hội Đồng Nai nhân lễ Phật đản
Trong 5 năm tới, với những mục tiêu, phương hướng cụ thể như: Gắn nội dung thi đua, khen thưởng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, thực hiện nghị quyết của các cấp hội và sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Thường xuyên bám sát, theo dõi phong trào để phát hiện gương người tốt, việc tốt, chú trọng bồi dưỡng để duy trì và kịp thời đề nghị các cấp biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân xuất sắc, những tấm gương điển hình tiên tiến để động viên, khích lệ tạo không khí thi đua đều khắp, liên tục và trong mọi lĩnh vực hoạt động của Hội … chúng ta tin tưởng rằng, sẽ có nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình ở Đồng Nai phát huy khả năng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tàn nhưng không phế".
Cao Nguyễn Huy