Ảnh bìa

Chặng đường 20 năm đưa xoa bóp của người mù đến với người dân đất cảng

20 năm qua, cơ sở tẩm quất cổ truyền số 57 đường Hàng Kênh, phường Trại Cau, quận Lê Chân là địa chỉ tin cậy, được nhiều khách hàng trên địa bàn thành phố Hải Phòng tìm đến xoa bóp, bấm huyệt, chăm sóc sức khoẻ và điều trị một số bệnh xương khớp.

Được thành lập ngày 22/10/2002, là đơn vị thuộc Xí nghiệp sản xuất dịch vụ của người mù do Hội Người mù thành phố Hải Phòng trực tiếp quản lý, cơ sở không chỉ tạo việc làm cho rất nhiều người mù mà còn là cái nôi đào tạo, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho nhiều thế hệ hội viên trên địa bàn thành phố Hải Phòng và một số tỉnh lân cận.

Từ những năm cuối thập kỷ 90, nghề xoa bóp bấm huyệt đã được Trung ương Hội đặc biệt quan tâm, thông qua các kết quả khảo sát xã hội học và những trải nghiệm thực tế tại các cơ sở ở một số địa phương trong toàn quốc. Từ đó, Hội Người mù Việt Nam xác định đây là một nghề phù hợp với điều kiện và sức khoẻ người mù.

Ảnh : Cơ sở tẩm quất cổ truyền số 57 đường Hàng Kênh, phường Trại Cau, quận Lê Chân

Hưởng ứng sự chỉ đạo của Trung ương Hội về việc định hướng triển khai nghề xoa bóp bấm huyệt cho người mù trong toàn quốc, ngay từ những năm cuối thập kỷ 90, Thành hội Hải Phòng đã cử những hội viên có đủ điều kiện tham gia những lớp học đầu tiên do Trung ương Hội phối hợp với trường Cao đẳng Y học Tuệ Tĩnh, nay là Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam tổ chức. Đây là lực lượng lao động quan trọng tham gia làm việc tại cơ sở ngay từ những ngày đầu thành lập.

Khi xác định mở cơ sở tạo việc làm cho người mù từ nghề xoa bóp bấm huyệt, Ban Thường vụ Hội Người mù thành phố Hải Phòng (nhiệm kỳ VI) có sự thống nhất cao và có được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo hội viên sẵn sàng tham gia các lớp học nghề xoa bóp bấm huyệt.

Bên cạnh những thuận lợi về chủ trương, nguồn lực và sự thống nhất, đoàn kết của cán bộ, hội viên; những ngày đầu thành lập cơ sở đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như: Nghề xoa bóp bấm huyệt sử dụng lao động là người khuyết tật là một dịch vụ mới xuất hiện, vì vậy mà người dân thành phố chưa sẵn sàng chấp nhận. Thời điểm này, trên địa bàn TP Hải Phòng có nhiều cơ sở tẩm quất thư giãn làm việc không lành mạnh, đã để lại những ảnh hưởng không tốt trong đời sống xã hội. Chính vì vậy một số bộ phận người dân xa lánh, không muốn tới sử dụng dịch vụ của Hội do tâm lý e ngại. Kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề của nhân viên nói riêng, chất lượng phục vụ của cơ sở nói chung, cũng như cơ sở vật chất còn thiếu thốn cộng với công tác quản lý, tiếp thị chưa mạnh mẽ khiến cơ sở hoạt động trong điều kiện thua lỗ liên tục từ tháng 10/2002 tới tháng 2/2005. Có những thời điểm Thành hội phải hỗ trợ tiền ăn cho nhân viên làm nghề tại cơ sở.

Mặc dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng với sự nỗ lực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành hội và đội ngũ kỹ thuật viên, cơ sở đã tiếp tục đứng vững. Thành hội đã kiên trì tuyên truyền, giới thiệu dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua các kênh truyền thông của thành phố, cũng như các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp phát động nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Do vậy từ tháng 2/2005, cơ sở đã từng bước đi vào ổn định, lượng khách tới sử dụng dịch vụ đã tăng dần theo từng năm. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng, Thành hội đã phối hợp với trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng tổ chức các lớp dạy nghề xoa bóp bấm huyệt từ năm 2006, giải quyết tận gốc vấn đề nhân lực cho cơ sở cũng như nhu cầu học nghề của hội viên.

Để đáp ứng nhu cầu việc làm của hội viên, Xí nghiệp đã đầu tư xây mới cơ sở thứ hai tại số 22 khu Kiến Thiết, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Khi bắt đầu hoạt động từ tháng 06/2006, cơ sở chỉ có 5 nhân viên làm việc, tới nay số nhân viên làm việc tại hai cơ sở là 45 người, trong đó có 8 người sáng làm công tác chuyên môn.

Ảnh : Thành hội đã phối hợp với trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề,

nâng cao tay nghề xoa bóp bấm huyệt cho kỹ thuật viên.

Xác định các cơ sở dịch vụ tạo việc làm do Hội quản lý là những tổ chức kinh tế mang tính chất xã hội, vì vậy Ban quản lý Xí nghiệp đã xây dựng cơ chế quản lý, điều hành phân phối lợi nhuận theo hướng có lợi cho người lao động, tạo điều kiện tốt nhất để anh chị em nhân viên làm việc đạt hiệu quả.

Trong các ngành nghề sản xuất, dịch vụ nói chung và dịch vụ xoa bóp bấm huyệt nói riêng, khách hàng là yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của cơ sở. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua, Ban quản lý Xí nghiệp thường xuyên quán triệt, nhắc nhở về thái độ và đạo đức làm nghề cũng như tạo điều kiện để đội ngũ nhân viên từng bước nâng cao kỹ năng, tay nghề để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Hàng năm, Ban quản lý Xí nghiệp tiến hành nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, tạo môi trường làm dịch vụ thông thoáng, sạch sẽ và bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như khách hàng tới sử dụng dịch vụ.

Trải qua quá trình hoạt động, đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần chất lượng phục vụ, số lượng khách hàng đến với cơ sở đã tăng dần theo từng năm, đến năm 2019 đã có trên 50 nghìn lượt khách tới sử dụng dịch vụ. Giai đoạn từ năm 2020 tới tháng 4/2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, hai cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất của Xí nghiệp thường xuyên phải đóng cửa theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố để phòng chống dịch. Từ tháng 4/2022 đến nay, cơ sở đã từng bước trở lại hoạt động ổn định, đạt mốc tăng trưởng như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh. Hiện nay, nhiều nhân viên của cơ sở đã đạt mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Hành nghề và trưởng thành từ hai cơ sở của Hội, nhiều anh chị em hội viên đã tự đứng ra vay vốn và mở cơ sở của riêng mình. Đến nay đã có gần 40 cơ sở tẩm quất cổ truyền sử dụng lao động là người mù, tạo việc làm cho gần 300 lao động là hội viên Hội Người mù thành phố Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành khác tới làm việc. Cũng tại nơi này, đã có nhiều nhân viên tìm được một nửa của mình, tìm được niềm vui và hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày một cạnh tranh mạnh mẽ thì cơ sở cần khắc phục một số tồn tại như: kỹ năng mềm của nhân viên chưa chuyên nghiệp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng…

 Trải qua hai mươi năm, khoảng thời gian không dài so với lịch sử nhưng cũng đủ để đánh giá một cách làm, một hướng đi của một tổ chức kinh tế sử dụng lao động là người khuyết tật, thể hiện sâu sắc ý nghĩa nhân văn về mặt xã hội.

Để có được thành công như ngày hôm nay, sự đồng lòng, nhất trí và nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhân viên là yếu tố tiên quyết, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên gắn bó với cơ sở từ những ngày đầu thành lập như bác Dương Văn Nhật, anh Phạm Trung Quyết, Phạm Quang Thực, Quản Hữu Thạch, Nguyễn Sĩ Tiến, Lê Văn Thiện, Cao Thị Đoan, Đào Thị Bình, Bùi Thị Ngà….

Hi vọng trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm điều hành, quản lý cũng như kinh nghiệm làm nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cơ sở sẽ tiếp tục duy trì và giữ vững các hoạt động phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, Để cơ sở tiếp tục là căn nhà chung ấm áp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, tiếp tục tham gia, đóng góp vào các hoạt động của Hội Người mù thành phố Hải Phòng nói riêng và chương trình an sinh xã hội do thành phố triển khai nói chung.

Quang Tâm