Ảnh bìa

Câu lạc bộ hát xẩm Tâm Việt tham gia Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng

Từ ngày 16 đến ngày 18/9/2022, Câu lạc bộ hát xẩm Tâm Việt hay còn gọi là Chiếu xẩm Tâm Việt đã tham gia Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022.

Tham gia liên hoan hát Xẩm lần này có gần 200 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 18 câu lạc bộ thuộc 8 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Chiếu xẩm Tâm Việt với tất cả thành viên đều là người khiếm thị là một trong 7 câu lạc bộ được Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội chọn đi dự thi liên hoan.

Ảnh: Tiết mục "Cái trống cơm" theo làn điệu Xẩm Thập âm đạt giải C tại liên hoan của Chiếu xẩm Tâm Việt.

Trong 3 ngày diễn ra sự kiện, 54 tiết mục hát Xẩm đặc sắc đã được biểu diễn trên sân khấu của liên hoan. Trong đó, Chiếu xẩm Tâm Việt đóng góp cho Liên hoan 3 tiết mục hát và được ban giám khảo, ban tổ chức đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Trong tổng số 5 giải A; 5 giải B; 5 giải C; 30 giải khuyến khích của Liên hoan, Chiếu xẩm Tâm Việt đã xuất sắc giành 1 giải A, 1 giải C và 1 giải khuyến khích, trở thành một trong những câu lạc bộ đạt thành tích top đầu của liên hoan. Đặc biệt, tiết mục Tương Tư, thơ Nguyễn Bính do Khúc Hải Vân lồng nhạc và biểu diễn theo điệu xẩm Huê Tình đạt giải A vinh dự được chọn diễn tại lễ tổng kết và trao giải của liên hoan.

Tâm Việt là Câu lạc bộ hát Xẩm đầu tiên của người khiếm thị được thành lập khi loại hình hát xẩm được phục dựng lại, Chiếu xẩm Tâm Việt chỉ mới ra mắt công chúng cách đây không lâu (vào ngày 09/7/2022).

Ảnh: Các thành viên Chiếu xẩm chụp hình lưu niệm.

Cùng với các hoạt động dâng hương cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Chiếu xẩm Tâm Việt cũng tham gia biểu diễn hát Xẩm phục vụ du khách tại phố cổ Hoa Lư, góp phần mang đến cho đông đảo công chúng yêu nghệ thuật hát Xẩm những trải nghiệm độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng nông thôn Bắc bộ.

Năm 2022, nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng đặt ra yêu cầu mới về tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống đương đại.

Đời mới