Ảnh bìa

Lễ mít tinh kỉ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật (03/12), hướng tới thập kỉ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2023 – 2032

Sáng 10/12/2022, tại tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật (NKT) (03/12), hướng tới thập kỉ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2023 – 2032. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng,tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”.

Dự lễ mít tinh có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư TW đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, Ban ngành đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội. Đặc biệt là sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN  và 6 nước trong khu vực gồm: Brunei, Lào, Myanmar, Malaysia, Philipine, Thái Lan cùng 500 đại biểu đại diện Hội Người mù các tỉnh, thành phố cả nước và hội viên Hội N,gười mù thành phố Hà Nội.

Ảnh: Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ mít tinh.

Phát biểu khai mạc lễ mít tinh, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội khẳng định sự kiện là cơ hội để Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN… hội tụ về Việt Nam để tham dự hội thảo về thúc đẩy giáo dục, việc làm cho cộng đồng người khiếm thị; trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy gia nhập Hiệp ước Marrakesh; giao lưu chia sẻ. Đồng thời thông qua diễn đàn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và kinh nghiệm hoạt động của Hội Người mù Việt Nam đối với bạn bè quốc tế…

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc lễ mít tinh.

Đồng chí Phạm Viết Thu cũng bày tỏ sự biết ơn, quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số nhà doanh nghiệp  đã hỗ trợ hơn 20 nghìn cây gậy trắng và hỗ trợ kinh phí để tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng gậy trắng cho người mù Việt Nam, hỗ trợ kinh phí áo mũ đồng phục và một phần vé máy bay tạo điều kiện để cộng đồng người mù các nước ASEAN đến tham dự diễn đàn này.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội trình bày diễn văn lễ mít tinh.

Thay mặt Hội, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam trình bày diễn văn lễ mít tinh. Theo đó từ năm 1992, Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 3/12 là ngày quốc tế người khuyết tật nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về các vấn đề của người khuyết tật và vận động hỗ trợ cho các hành động vì quyền, nhân phẩm, và hạnh phúc của người khuyết tật. Vào dịp này hàng năm, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề để thúc đẩy thực hiện công ước về quyền của người khuyết tật.

Chủ đề năm nay là “Các giải pháp chuyển đổi để phát triển bao trùm: vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới tiếp cận và bình đẳng”.

Cũng với mục tiêu hiện thực hóa quyền của NKT, tháng 10/2022, 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên liên kết thuộc Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) đã thông qua Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của người khuyết tật tại Hội nghị cấp cao Liên Chính phủ tổng kết thập kỉ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, 2013 – 2022. UNESCAP đã nhất trí rằng Thập kỷ người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2023–2032 cần tiếp tục tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó có “Kế hoạch hành động để đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon”, đồng thời, đưa ra 6 vấn đề trọng tâm nhằm thúc đẩy hành động và bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Cùng với thế giới và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhằm góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ giữa các thành viên vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm, Chính phủ các nước ASEAN cũng đã cam kết thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của NKT. Trong đó, cộng đồng người mù ASEAN đã cùng nhau xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, hợp tác và phát triển. Với sáng kiến của Hội Người mù Thái Lan, từ năm 2013, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN đã được tổ chức hàng năm, tạo điều kiện để các tổ chức của và vì người mù tại các nước trong khu vực trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề quan tâm và đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần giúp người mù trong khu vực khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, hòa nhập cộng đồng.

Trước đó, vào ngày 09/12/2022, đại diện 7 nước bao gồm: Brunei, Lào, Malayssia, Myanmarr, Phlippines, Thái Lan và Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN” đã cùng thống nhất đưa ra 10 khuyến nghị gửi đến Cộng đồng ASEAN và chính phủ các nước trong khu vực nhằm tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chú trọng những điểm trọng tâm đã được nêu trong tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT cần thúc đẩy trong thập kỉ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình dương 2023 – 2032, Kế hoạch tổng thể của ASEAN về lồng ghép quyền của NKT. Đặc biệt, tất cả các quốc gia đều gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị NKT chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố…

Ảnh: Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại lễ mít tinh.

Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương hoan nghênh Hội Người mù Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN”. Đồng chí cũng nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc quan tâm, tạo điều kiện để NKT nói chung, người mù nói riêng thực hiện quyền bình đẳng, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng với mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” chú trọng thực hiện chủ đề của Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay là: “Các giải pháp phát triển bao trùm: Vai trò của đổi mới trong việc thúc đẩy một thế giới tiếp cận và bình đẳng”, các vấn đề trọng tâm được nêu lên trong tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT cần quan tâm, thúc đẩy trong thập kỷ NKT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2023-2032, Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của NKT…

Đồng thời, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cũng đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về NKT nói chung, người khiếm thị nói riêng, đặc biệt là các nội dung trong Luật NKT cùng các kiến nghị bổ sung, sửa đổi, đảm bảo vừa phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của NKT và các văn bản pháp lý quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam để đưa vào thực thi hiệu quả trên thực tế.

Cùng với nguồn lực của Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ người khiếm thị nói riêng, NKT nói chung giúp họ vươn lên trong cuộc sống và hội nhập quốc tế….

“Đặc biệt, tôi mong rằng Hội Người mù Việt Nam, các tổ chức người mù và vì người mù trong Cộng đồng ASEAN sẽ cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”, góp phần cùng Chính phủ và Nhân dân trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển” - bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

Ảnh: Ông Wong Yoon Loong, Giám đốc điều hành Hội Người mù Malaysia, đại diện Hội Người mù các nước ASEAN tham gia sự kiện phát biểu tại lễ mít tinh.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu trao cờ lưu niệm cho đại diện các nước ASEAN tham gia tham gia chuỗi sự kiện "Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hoà nhập cho người mù ASEAN"

Ảnh: bà Lê Thị Tường Thu – Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao 400 cây gậy trắng cho Hội Người mù Việt Nam và người mù ASEAN

Nhân dịp này, nối tiếp hành trình Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam, bà Lê Thị Tường Thu – Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao 400 cây gậy trắng cho Hội Người mù Việt Nam và người mù ASEAN.

Ảnh: Các đại biểu diễu hành đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ngay sau đó, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, đoàn thể, các diễn viên, nghệ sĩ và gần 500 đại biểu là người mù đã cùng diễu hành đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm nhằm kêu gọi cộng đồng tham gia vào việc thực hiện chủ đề của ngày Quốc tế NKT năm nay vì một thế giới tiếp cận và bình đẳng đồng thời nêu cao tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của cây gậy trắng là người bạn đồng hành không thể thiếu, thể hiện khả năng tự lập của người mù trong học tập, lao động, tiếp cận việc làm và hòa nhập cuộc sống.

Một số hình ảnh các đại biểu đi bộ diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm:

Đời mới