30 năm kiên trì, nỗ lực phát huy hiệu quả nguồn vốn vì hạnh phúc người mù
Ngày 7/9/2022, TW Hội tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm Chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm tại thành phố Đà Nẵng.
Tham dự có đồng chí Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, đồng chí Hoàng Thị Chương – Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác – Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đồng chí Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, đại diện Bộ Nội vụ, các đồng chí lãnh đạo TW Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù và 53 Tỉnh, Thành hội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh: Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, Hội nghị là dịp để các cấp Hội cùng rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp, các kiến nghị, đề xuất để công tác cho vay vốn, tạo việc làm sẽ đi vào chiều sâu, đa dạng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, hội viên trong cả nước.
Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Sau khi Nghị quyết 120 ra đời, Hội được tham gia chương trình và được mở kênh riêng, mang niềm vui, niềm hi vọng lớn đến với người mù cả nước. Với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao, Hội đã nghiêm túc triển khai một cách đồng bộ, chắc chắn, quyết tâm làm thật tốt, đem lại quyền lợi cho người mù và uy tín của Hội.
Năm đầu, Hội được phân bổ 500 triệu đồng cho 11 Tỉnh, Thành hội vay vốn. Hội quy định rất chặt chẽ quy trình, thủ tục cho vay. Trước khi vay vốn, cán bộ hội cơ sở đến nhà người mù tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, mục đích vay, mức vay, khả năng hoàn trả, lập danh sách gửi về Tỉnh, Thành hội, sau khi cho vay lại đến nhà hội viên xem xét việc sử dụng vốn có đúng đối tượng, đúng nội dung không. Trong thời gian cho vay vốn, Tỉnh, Thành hội thường xuyên kiểm tra công tác quản lý và sử dụng vốn vay ở các hội cơ sở. Sau một chu kỳ triển khai, TW Hội đã đánh giá, rút kinh nghiệm; kết quả rất khả quan. Từ đó đến nay, Hội đã tổ chức nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả của chương trình.
Ảnh: Toàn cảnh hội nghị.
Từ năm 1992 đến năm 2002, nguồn vốn vay do Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện cho vay; từ năm 2003, nguồn vốn được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong quá trình triển khai, Chính phủ, Liên bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội đã sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy định về triển khai, quản lý vốn vay theo từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, Hội Người mù Việt Nam đã ban hành các văn bản để phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả chương trình. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội địa phương tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác vay vốn.Vì vậy, việc triển khai cho vay được thống nhất trong toàn Hội, đảm bảo tính dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Đồng vốn đã phát huy hiệu quả trong đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, không những giúp người mù có việc làm, thu nhập mà còn góp phần tạo ra một số lượng lớn sản phẩm hàng hóa cho xã hội.
Trong hơn 2 năm dịch bệnh covid - 19 diễn biến phức tạp nhưng các Tỉnh, Thành hội và hội cơ sở vẫn triển khai thu hồi các dự án đúng hạn, chỉ có một số đơn vị dự án đến hạn thu hồi cho vay lại đúng thời gian giãn cách xã hội nên TW Hội đã chỉ đạo các đơn vị đó báo cáo ngân hàng CSXH địa phương làm thủ tục xin gia hạn theo quy định.
Để giúp hội viên tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các cấp hội tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và tạp chí, Website, fanpage của Hội về mục đích ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Từ đó, góp phần lan tỏa và đưa chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của Ngân hàng Chính sách xã hội trở nên hiệu quả, thiết thực trong đời sống của người mù, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi Chương trình hành động "Việc làm, xóa đói giảm nghèo" của Trung ương Hội và công tác an sinh xã hội của đất nước.
Các cấp Hội đã lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình dạy nghề, khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn qua các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động.
Những tập thể, cá nhân điển hình trong việc thực hiện cho vay vốn đã được nêu gương qua các phương tiện truyền thông của Hội, đồng thời giới thiệu với các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời động viên, khuyến khích.
Qua 30 năm tham gia chương trình, đến nay, Hội Người mù Việt Nam đã được giao cho quản lý số tiền 51,6 tỉ đồng, xây dựng 8.412 dự án, cho 94.176 lượt hộ vay, thu hút 82.628 lao động, triển khai tại 51 Tỉnh, Thành hội, cho hơn 400 quận huyện, thị hội, doanh số cho vay đạt hàng trăm tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn vay theo kênh của TW Hội, các Tỉnh, Thành hội đã tranh thủ thêm nguồn vốn của địa phương và nguồn khác với số tiền 20,1 tỉ đồng.
Nhờ có chương trình vay vốn, rất nhiều người mù đã làm ăn hiệu quả. Một số hội viên đã có trang trại nuôi hàng chục con trâu, bò, có từ 20 - 30 con lợn trở lên, có hội viên còn tổ chức các tổ hợp sản xuất làm mộc, đan lát, làm đũa... thu hút hàng chục lao động ở địa phương. Nhiều hội viên đã xóa được đói thoát được nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội mỗi năm từ 1-2%. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ nghèo trong toàn Hội còn 13,7%. Một số hội viên đã cùng gia đình vươn lên, trở thành hộ khá, hộ giàu. Điển hình như: ông Nguyễn Văn Tốt ở huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội, ông Trương Công Tăng huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ông Phan Thanh Sơn huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình … Từ nguồn vốn vay của Hội, các ông đã cùng gia đình đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, mở cơ sở xoa bóp, cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ, mỗi năm thu nhập từ hơn 200 triệu đến hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn tạo được việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn khác.
Hội viên Huỳnh Thị Ngọc Uyển – Thành hội Hà Nội chia sẻ: Chị sinh ra tại vùng quê nghèo tỉnh Quảng Ngãi. Lên 5 tuổi, chị đã mồ côi mẹ và trải qua tuổi thơ đầy bất hạnh. Năm 18 tuổi, tốt nghiệp PTTH nhưng con đường học tập phải dừng lại vì gia đình túng quẫn và thị lực cũng đã giảm quá nhiều. Đúng lúc đó, HNM tỉnh Quảng Ngãi đã tìm đến và động viên chị vào Hội. Hội cho chị đi học các lớp phục hồi chức năng, học chữ, học nghề… ở Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù thuộc TW Hội. Tại đây, chị đã gặp được một nửa của đời mình, anh là hội viên của HNM Hà Nội. Sau khi theo chồng ra Hà Nội, vợ chồng chị được Hội cho vay vốn và mở cơ sở xoa bóp. Trải qua rất nhiều khó khăn, đến nay, cơ sở đã có hơn vài nghìn khách mỗi tháng, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập bình quân từ 9 – 15 triệu đồng. Vợ chồng chị đã có được một ngôi nhà khang trang tại phố Đào Tấn, quận Ba Đình, tp Hà Nội để kinh doanh dịch vụ xoa bóp, cũng chính là tổ ấm của gia đình. Chị xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội đã trao cho chị cơ hội học tập và vay vốn để chị có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Trong thời gian qua, rất nhiều Tỉnh, Thành hội quản lý số vốn lớn, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, không có nợ quá hạn. Hiện nợ quá hạn trong toàn Hội chỉ có 20 triệu đồng, chiếm 0,038%. Hội luôn được các cơ quan quản lý Nhà nước và Ngân hàng chính sách xã hội đánh giá cao, cũng là một trong những đơn vị có số nợ quá hạn thấp nhất.
Thông qua chương trình, cán bộ các cấp hội đã trưởng thành hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm trong hoạt động. Vị thế, uy tín của Hội, khả năng của người mù được các cấp, các ngành và xã hội ghi nhận. Người mù thêm phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống và gắn bó với tổ chức Hội.
Tại Hội nghị, đại diện Tỉnh hội Thái Bình, Bình Dương, Thành hội Đà Nẵng, Huyện hội Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm trong quá trình triển khai cho vay vốn tại địa phương. Các đại biểu đều mong muốn nguồn vốn, mức vay và thời gian vay được tăng lên nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hội viên, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm còn bộc lộ những hạn chế nhất định. một số cán bộ hội cơ sở chưa nắm vững chính sách về quản lý vốn vay theo từng giai đoạn, có nơi cho vay chưa sát thực tế nhu cầu vay của hội viên, có nơi bản thân hội viên tâm lý còn e ngại không muốn vay hoặc số tiền vay còn ít. Một số ít cho vay chưa đúng đối tượng, mục đích dẫn đến không thu hồi được vốn. Công tác kiểm tra, đánh giá thực tế của các địa phương còn ít, nhất là các Tỉnh, Thành hội không có hội cơ sở, thiếu cán bộ sáng mắt. Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhưng có thể nói chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã thu được kết quả to lớn, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế và xã hội. Chính sách cho vay vốn giúp người mù có cơ hội bình đẳng, được trao “chiếc cần câu” để tự lao động và phấn đấu đi lên.
Thông qua chương trình đã khẳng định vai trò của Hội mang lại lợi ích thiết thực và sự đổi thay trong cuộc sống người mù.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, đồng chí Hoàng Thị Chương – Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác – Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đồng chí Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà các cấp Hội Người mù đã đạt được trong công tác cho vay vốn, tạo việc làm trong suốt 30 năm qua. Các đại biểu mong muốn Hội sẽ nỗ lực phát huy, triển khai tốt nguồn vốn hiện có. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, tổng hợp nhu cầu để kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng và các tổ chức khác để có thêm nguồn vốn giúp người mù có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ có vốn làm ăn, cải thiện chất lượng cuộc sống và đóng góp cho xã hội.
Nhân dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã trao tặng giấy khen cho 3 tập thể và 9 cá nhân; TW Hội trao tặng bằng khen cho 31 Tỉnh, Thành hội, 31 Quận, Huyện hội vì đã có nhiều thành tích trong công tác triển khai, quản lí và sử dụng vốn vay.
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, các cấp Hội tiếp tục triển khai chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, kết hợp đề xuất nguồn vốn từ địa phương và các nguồn khác, đảm bảo hầu hết hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được vay vốn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ, kiểm tra, đánh giá, thúc đẩy phong trào thi đua nhằm duy trì thực hiện tốt chương trình, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,02%. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong Hội mỗi năm từ 1-2% trở lên và từng bước cải thiện thu nhập, giúp người mù xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuấn Minh