Ảnh bìa

Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường huyền thoại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con đường huyền thoại của dân tộc, con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5; Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chính thức đi vào hoạt động. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, thể hiện bản lĩnh kiên cường, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: Tất cả cho tiền tuyến miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên, số hiệu 41, mang tên “Phương Đông 1” của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau; 19/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau).

Ngày 19/10 đến 14/12/1962, lần lượt ba chiếc tàu vỏ gỗ mang tên “Phương Đông 2, 3, 4” rời bến Đồ Sơn, chở vũ khí vượt qua các khu vực kiểm soát của địch, cập bến Vàm Lũng (Cà Mau).

Tháng 8/1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho chiến trường miền Nam. Ngày 24/1/1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân.

Giai đoạn 1962 - 1965, Đoàn 125 đã tổ chức 89 chuyến tàu, chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ gần 5.000 tấn hàng hóa, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.

Giai đoạn 1965 - 1968, sau khi phát hiện tàu C143 tại Vũng Rô (Phú Yên), địch tăng cường đẩy mạnh hoạt động tuần tiễu, ngăn chặn, chống xâm nhập. Đoàn 125 chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu theo đường hàng hải quốc tế, bí mật đưa hàng vào bến; đã tổ chức 27 chuyến tàu nhưng chỉ có 7 chuyến tàu cập bến, vận chuyển hơn 400 tấn hàng hóa.

Năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức 15 chuyến đi, song chỉ có 5 chuyến vào được bến, 9 chuyến gặp địch tuần tra, kiểm soát gắt gao, để giữ bí mật của con đường chiến lược, đành phải quay về, một chuyến buộc phải phá tàu. Du kích miền Đông Nam Bộ tiếp nhận và vận chuyển vũ khí do tàu không số chi viện. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm dừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển hàng hóa vào các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng, ta còn tổ chức vận chuyển bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc-vin (Campuchia). Bằng cách này, Đoàn 125 đã chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược.

Cuối 1970, sau khi tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-nuc-vin bị cắt đứt, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đoàn 125 chủ động tìm đường vận chuyển mới bằng cách men theo phía Đông quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển Đông Bắc Malaysia, qua vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du để đưa tàu cập bến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong điều kiện địch tăng cường bao vây, ngăn chặn và đánh phá ác liệt nhưng Đoàn 125 đã vận chuyển được 301 tấn vũ khí, đạn dược cho Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các đội tàu của Đoàn 125 tiếp tục vận chuyển hàng hóa, lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam, chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Thực hiện mệnh lệnh “thần tốc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải vận chuyển thật nhanh những vũ khí hạng nặng và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam, kịp thời hiệp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ. Đoàn 125 đã thực hiện thành công 143 chuyến tàu, vận chuyển 8.741 tấn vũ khí hạng nặng (50 xe tăng và pháo cỡ lớn), đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu.

Với những thành tích xuất sắc, Lữ đoàn 125 được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Theo dòng thời gian, đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số, gắn liền với tên tuổi, địa danh và biết bao chiến công hiển hách của những anh hùng liệt sĩ, của quân và dân ta vẫn mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc như một con đường huyền thoại - một trong những đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của truyền thống yêu nước, ý chí quật cường và sức sáng tạo; phản ánh khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam./.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM