Ảnh bìa

Đánh giá hiệu quả dự án cung cấp các thiết bị chữ Braille

Ngày 22/4/2024, đoàn công tác của Đại sứ quán Nhật Bản đã đến Hội Người mù Việt Nam làm việc và kiểm tra, đánh giá hiệu quả dự án “Cung cấp thiết bị chữ Braille cho 3 tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam” do Đại sứ quán tài trợ.

Tham gia đoàn công tác có Bí thư thứ 2, Ban Kinh tế Hiroi Akira, cùng các cán bộ là tùy viên nghiên cứu, điều phối viên dự án của Đại sứ quán. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Hội Đinh Việt Anh và các cán bộ thuộc Văn phòng TW Hội.

Ảnh: Đoàn công tác làm việc tại Văn phòng Trung ương Hội.

Dự án: “Cung cấp thiết bị chữ Braille cho 3 tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam” thuộc Chương trình viện trợ không hoàn lại qui mô nhỏ cấp cơ sở của Chính phủ Nhật Bản dành cho TW Hội và 3 tỉnh, thành hội gồm: Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương. Trong đó, mỗi đơn vị nhận được 1 bộ máy vi tính, 1 máy in chữ Braille cùng các phần mềm và phụ kiện đi kèm. Bên cạnh đó, Trung ương Hội nhận được 6 máy hiển thị chữ Braille Seika Mini, 3 đơn vị còn lại, mỗi đơn vị nhận 2 chiếc máy này.

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Hội Đinh Việt Anh cho biết: Các thiết bị được cung cấp đều đang hoạt động tốt và được các đơn vị sử dụng hiệu quả. Đến nay, Trung ương Hội đã in ấn 72542 trang chữ Braille, mỗi đơn vị tỉnh, thành in ấn khoảng 20000 trang chữ Braille với các tài liệu gồm: văn bản chính sách, pháp luật, văn bản của Hội, sách xóa mù chữ, sách giáo khoa phổ thông, giáo trình các lớp phục hồi chức năng, đào tạo nghề… Các máy hiển thị Seika Mini được sử dụng cho việc ghi chép, lưu trữ các tài liệu phục vụ công tác Hội đạt kết quả tốt.

Phó Chủ tịch Hội đinh Việt Anh chia sẻ: “Việc cung cấp máy in đã tạo sự chủ động cho các đơn vị tự in ấn các tài liệu đáp ứng nhu cầu thực tế của đơn vị mình, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm về nguồn lực. Các đơn vị có thể lấy dữ liệu bằng file chữ Braille điện tử do Trung ương Hội hoặc đơn vị tự chuyển đổi để in ấn hay sử dụng trên máy Seika Mini rất phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay. Nhờ các trang thiết bị được cung cấp từ dự án, nhiều người mù đã có điều kiện tiếp cận các tài liệu chữ Braille, nâng cao kiến thức, kĩ năng, tham gia học chữ, học văn hóa, học nghề, từ đó, có việc làm, thu nhập, không chỉ chăm lo cho cuộc sống của bản thân mà còn đóng góp cho gia đình, xã hội”.

Ảnh: Đoàn tham quan tại xưởng in chữ Braille của Trung ương Hội.

Cùng với việc tham quan, kiểm tra các trang thiết bị tại xưởng in của Trung ương Hội, đoàn công tác đã đến làm việc và kiểm tra các thiết bị tại Thành hội Người mù Hà Nội. Bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp còn có các hình ảnh máy móc, thiết bị và các hoạt động vận hành được các đơn vị gửi về để phục vụ quá trình đánh giá.

Ảnh: Đoàn tham quan tại Hội Người mù thành phố Hà Nội.

Thay mặt đoàn công tác, Bí thư thứ 2 Hiroi Akira đánh giá cao việc bảo quản, sử dụng máy móc, thiết bị của các đơn vị trong thời gian qua và mong muốn Hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Ông tin rằng sẽ ngày càng nhiều trang thiết bị, phần mềm hiện đại được nghiên cứu, sản xuất, từng bước giúp những người khiếm thị, người khuyết tật giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, học tập và làm việc. Đại sứ quán và Chính phủ Nhật Bản hi vọng sẽ có thêm cơ hội đồng hành, hỗ trợ, giúp ngày càng nhiều người khiếm thị và người có hoàn cảnh khó khăn bắt kịp với xu hướng phát triển chung, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hà Anh